Năm 2017, người đàn ông 69 tuổi bị ung thư tuyến tụy ở Arizona được tiêm thuốc chứa phóng xạ nhằm thu nhỏ khối u. Bệnh nhân qua đời sau hai ngày được tiêm thuốc.
Năm ngày sau, thi thể người đàn ông được hỏa táng mà chưa có ý kiến của bác sĩ. Kết quả, các hạt phóng xạ từ cơ thể bệnh nhân phát tán khắp lò hỏa táng, khiến nhân viên ở đây bị phơi nhiễm.
Trên JAMA ngày 26/2, các nhà khoa học từ Bệnh viện Mayo cho biết đã kiểm tra các thiết bị ở lò hỏa táng bao gồm lò thiêu, bộ lọc không khí, máy nghiền xương và phát hiện lượng phóng xạ đáng kể. Xét nghiệm nước tiểu của một nhân viên lò hỏa táng cũng cho thấy dấu vết phóng xạ.
Dựa trên bộ đếm Geiger-Müller, các nhà khoa học tính toán rằng mức độ phơi nhiễm phóng xạ của nhân viên lò hỏa táng là 7,5 millirem mỗi giờ đối với người trực tiếp tiếp xúc với thiết bị hỏa táng, thấp hơn mức nguy hiểm nhưng trên mức an toàn.
Tin tốt là lutetium 177 (nguyên tố phóng xạ trong thuốc tiêm) có phạm vi ảnh hưởng hẹp và tuổi thọ ngắn. Điều đó có nghĩa ảnh hưởng của nó sẽ không lan xa hoặc kéo dài.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, các nhà nghiên cứu đề nghị cần đưa ra quy trình hỏa táng cụ thể cho người sử dụng thuốc phóng xạ. Hiện nay, tại Mỹ, chỉ có bang Florida cấm hỏa táng thi thể còn phóng xạ.
Theo Minh Nguyên (VnExpress.net)