Trước đó, Berlin khẳng định phòng nghiên cứu quân đội Bundeswehr (Đức) đã tìm thấy dấu vết chất độc thuộc nhóm Novichok trong cơ thể ông Alexey Navalny.
Thủ tướng Đức Angela Merkel lên án vụ tấn công, và yêu cầu Nga giải thích.
Nhưng các nhà khoa học đứng đằng sau Novichok – Leonid Rink và Vladimir Uglev – đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của Đức.
Hai chuyên gia cho biết Novichok là một chất độc thần kinh cực kì nguy hiểm. Do đó, ông Navalny sẽ không có cơ hội sống sót nếu thực sự bị đầu độc bằng chất này.
Hơn nữa, theo Uglev, nếu ông Navalny bị hạ độc thì những người khác tương tác với nhà lãnh đạo đối lập ngay sau đó, gồm những hành khách trên máy bay, đội cứu thương, v.v. - cũng sẽ nhiễm độc.
“Các triệu chứng của ông Navalny không giống bị nhiễm Novichok”, chuyên gia Rink nói với RIA Novosti.
“Nếu nhiễm Novichok, Navalny sẽ lên cơn co giật. Và ông ấy sẽ chết thay vì bị hôn mê. Nếu thế, ông ấy đã yên nghỉ ở nghĩa trang một thời gian dài rồi”, Rink nói.
Theo Uglev, có thể loại bỏ khả năng ông Navalny bị đầu độc bằng các vũ khí hóa học như sarin, soman và Novichok (A-234).
“Bởi ngoài Navalny, thì những người quanh ông ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng dù ít hay nhiều”, theo Uglev.
Uglev và Rink là một trong những người sáng lập chương trình vũ khí hóa học Novichok của Liên Xô. Từ năm 1991 trở về trước, cả hai người đều làm việc tại chi nhánh Volsk của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Hóa học Hữu cơ Nhà nước ở Shikhany, thuộc Vùng Saratov.
Ngày 20/8, chiếc máy bay chở ông Navalny đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Omsk (Vùng Siberia) khi đang trên đường đến Moscow, vì lãnh đạo phe đối lập Nga đột nhiên cảm thấy không khỏe.
Ông Navalny được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê và được đặt máy thở.
Ngày 22/8, ông được đưa sang Đức điều trị. Ngày 24/8, các bác sĩ Đức cho biết đã phát hiện ra dấu vết các chất thuộc nhóm ức chế men cholinesterase trong cơ thể Navalny. Các bác sĩ cho biết thêm, chất này không đe dọa tính mạng ông Navalny, nhưng có khả năng gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến hệ thần kinh.
Novichok là nhóm chất độc thần kinh được Liên Xô phát triển trong thập niên 1970 và 1980. Chúng được triển khai như một phần của chương trình có tên mã là “Foliant”.
Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Novichok đã được sử dụng trong vụ đầu độc cựu sĩ quan tình báo Nga kiêm điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia ở Salisbury, Anh vào ngày 4/3/2018.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)