Tan hoang sau vỡ đập thủy điện dọc sông Mekong ở Lào
Hãng thông tấn nhà nước Lào (KPL) cho biết vụ việc xảy ra tại công trình thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu vào lúc 20h ngày 23/7. Đập vỡ mang theo 5 tỷ m3 nước, làm "một số người thiệt mạng và vài trăm người mất tích", đồng thời cuốn theo một số ngôi nhà ở phía nam huyện Sanamxay.
Đài ABC Laos cho hay ít nhất 100 người mất tích trong sự cố vỡ đập. Hình ảnh trên Facebook đài này cho thấy hàng trăm người dân tụ tập bên bờ một con sông nước chảy siết.
Theo AFP, 5 tỷ m3 nước tương đương hơn 2 triệu hồ bơi đạt chuẩn Olympics.
Thủ tướng hủy họp để chỉ đạo cứu hộ
KPL cũng cho biết Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã hủy bỏ cuộc họp chính phủ hàng tháng để dẫn đầu đoàn quan chức đến huyện Sanamxay chỉ đạo cứu hộ, cứu trợ. Vụ vỡ đập đã gây ngập úng ở 6 làng thuộc huyện này, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là 2 làng Hinlad và Mai. Hơn 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Theo KPL, chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đảng ủy, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quan chức cảnh sát và quân đội cũng như người dân quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân những nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt...
Ông Mai Khắc Tú, thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào, xác nhận với Zing.vn rằng Đại sứ quán đã tiếp nhận được thông tin vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy. Ông Tú cho biết Đại sứ quán đang tiếp tục thu thập thông tin và triển khai gấp các công việc cần thiết.
"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chức năng của Lào và cơ quan đại diện của Việt Nam tại địa phương để xác minh có nạn nhân người Việt hay không. Hiện chưa có thông tin cụ thể, chính xác về thương vong của vụ tai nạn", ông Tú nói.
Thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào cho biết thêm một số bản chịu ảnh hưởng của vụ vỡ đập có người Việt sinh sống, nhưng không rõ số lượng.
Dự án BOT với Hàn Quốc, có công ty Việt Nam tham gia
KPL cho biết đập thủy điện đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (viết tắt PNPC). Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy dọc sông Mekong có công suất thiết kế 410 MW, ước tính cung cấp khoảng 1.860 GWh điện/năm khi đưa vào sử dụng.
Đập thủy điện dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019, theo website PNPC. Theo kế hoạch, khoảng 90% lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại được phân phối tại địa phương.
PNPC là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 3/2012 giữa một doanh nghiệp nhà nước Lào với một số công ty Hàn Quốc và Thái Lan. Công trình thủy điện này, ước tính tiêu tốn 1,02 tỷ USD, là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lào.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (CMVietnam) đã ký hợp đồng tổng thầu SK Engineering & Construction (SK E&C, Hàn Quốc), một thành phần trong liên doanh PNPC, theo website của CMVietnam. Công ty thi công gói 9 trong dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy với giá trị hợp đồng là 7,9 triệu USD, trong thời gian 3 năm.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, chủ tịch của SK E&C đã đến Lào và thành lập một đội phản ứng khẩn cấp ở Seoul. Công ty này vẫn đang cố xác định xem là nước đã tràn qua đập hay đập bị vỡ.
Yonhap cũng dẫn lời một quan chức giấu tên của công ty nói lượng mưa tại khu vực năm nay cao gấp 3 lần mức bình thường, và một trong 5 con đập phụ đã bị tràn bờ. Công ty đang tập trung vào nhiệm vụ cứu hộ, dùng thuyền và các thiết bị khác để tìm kiếm người mất tích.
AP, dự án thủy điện tại Lào được kỳ vọng là nguồn doanh thu lớn cho SK E&C trong những năm tới. Công ty này là một thành viên của Tập đoàn SK, một trong 3 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.
Trong khi đó, Ratchaburi Electricity Generating, doanh nghiệp Thái Lan tham gia vào dự án, nói trong một thông cáo rằng con đập có tên "Đập yên ngựa D" cao 8 m, dài 770 m và cao 16 m.
"Đập bị nứt và nước rò rỉ qua khu vực bên dưới cũng như về đổ xuống sông Xe Pian nằm cách con đập 5 km", Reuters dẫn lời ông Kijja Sripatthangkura, CEO của công ty.
Tham vọng trở thành "nguồn điện của Đông Nam Á"
Trong nhiều năm qua, Lào đã xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là trên sông Mekong, gây quan ngại cho các nước ở hạ lưu sông vì những tác động tiêu cực đến môi trường và nghề cá. Lượng điện này hầu hết được bán sang các nước láng giềng như Thái Lan.
Một dự án thủy điện khổng lồ ở Xayaburi, do tập đoàn Thái Lan CH Karnchang dẫn dắt, là trọng tâm trong kế hoạch đưa Lào trở thành "nguồn điện của Đông Nam Á". Nhà máy với công suất 1.285 megawatt, ước tính tiêu tốn khoảng 3,5 tỷ USD, đã khiến những nước ở hạ lưu sông Mekong như Việt Nam và Campuchia lo lắng.
Theo AFP, nhà chức trách Lào kiểm soát chặt chẽ thông tin và thường không minh bạch về các thỏa thuận hay dự án phát triển. Nước này hiện có khoảng 10 đập thủy điện đang vận hành và khoảng 10 đến 20 đập đang được xây dựng cùng hàng chục đập khác đang nằm trên giấy.
"Một khi họ xem mình là nguồn điện ở châu Á, xuất khẩu điện trở thành một trong những nguồn thu chính, nên về cơ bản là họ đang bán những tài nguyên tự nhiên như nước", Toshiyuki Doi, cố vấn cao cấp của tổ chức Mekong Watch, nói và cho biết thêm rằng ông chưa hay biết về vụ vỡ đập.
Một số sự cố liên quan đến các công trình thủy điện ở Lào từng xảy ra. Hồi tháng 7/2017, 6 công nhân Việt Nam thiệt mạng khi một bình ga phát nổ tại công trường xây thủy điện ở miền Trung Lào.
Tổ chức International Rivers nói sự cố với đập Xe Pian-Xe Nam Noy đã cho thấy những "nguy cơ lớn" liên quan đến những thiết kế đập "không thể đáp ứng điều kiện thời tiết cực đoan".
"Các hiện tượng thời tiết cực đoan và khó lường đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn tại Lào và khu vực vì biến đổi khí hậu", tổ chức môi trường nói với Reuters.
"Điều này cũng cho thấy sự thiếu vắng hệ thống cảnh báo cho những công trình xây dựng và vận hành đập thủy điện. Cảnh báo thường được đưa ra rất trễ và không có tác dụng trong việc đảm bảo người dân được báo trước để bảo vệ bản thân và gia đình".
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)