Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề, Đại tá Bùi Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Vũ khí không thể quên khoảng thời gian cùng đồng đội nghiên cứu chế tạo súng phóng lựu MGL-VN1.
Suốt quá trình từ nghiên cứu cơ bản tới lý thuyết rồi sản xuất thử nghiệm là quãng thời gian dài vượt qua bao khó khăn, vất vả bởi làm ra một loại vũ khí mới không phải là điều đơn giản.
Đại tá Bùi Tuấn Anh chia sẻ rằng ông rất trăn trở phải làm ra thứ gì đấy mà trang bị chưa có. Từ thực tế tại các đơn vị chỉ ra rằng khẩu M79 có thời gian bắn rất chậm, tạo ra lòng tin chưa cao trong chiến sĩ. Ý tưởng chế tạo một khẩu súng phóng lựu cá nhân bán tự động có tốc độ bắn cao hơn sẽ giúp người lính yên tâm hơn về vũ khí trang bị của họ.
Theo Thượng tá Bùi Đình Toàn - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển - Viện Vũ khí cho biết tập thể phòng khi đó dưới sự chỉ đạo của Đại tá Bùi Tuấn Anh đã phát động các phong trào khơi dậy tinh thần tự chủ của từng cá nhân, tạo nên sức mạnh tập thể để tạo ra một khẩu súng mới với các chỉ tiêu đáp ứng yêu cầu đề ra, tương đương sản phẩm nước ngoài.
Thượng tá Toàn còn chia sẻ rằng ông từng nói vui với các cán bộ trẻ của Viện rằng nếu mỗi cán bộ nghiên cứu trong Viện Vũ khí chỉ cần có một sản phẩm mới ra đời và đưa vào trang bị thì lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ có rất nhiều vũ khí.
Ước mơ của Thượng tá Trịnh Đình toàn có lẽ cũng là kỳ vọng của quân đội ta vào đội ngũ cán bộ nghiên cứu, với nhiệt huyết và năng lực ấy, đất nước hoàn toàn có quyền mơ ước về một nền công nghiệp quốc phòng phát triển để có thể tự chủ vũ khí, trang bị, phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ huấn luyện tác chiến, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.
Súng phóng lựu MGL-VN1 của Việt Nam có vẻ bề ngoài rất giống với khẩu Milkor MGL do Nam Phi chế tạo. Khẩu súng này có tốc độ bắn tối đa 6 phát/3 giây. Sơ tốc của lựu đạn khi bắn từ MGL đạt 76 m/s, tầm bắn hiệu quả 375 m và xa nhất đạt 400 m. MGL có trọng lượng 5,3 kg, chiều dài 778/565 mm khi mở/gấp báng, với nòng dài 300 mm.
Súng sử dụng ổ đạn xoay có sức chứa 6 viên lựu cỡ 40 x 46 mm, được gắn với một lò xo có tác dụng kéo ổ đạn theo chiều kim đồng hồ sau mỗi lần bóp cò. Khi hết đạn và tái nạp xong thì phải xoay ổ đạn ngược lại để lên dây cót.
Một xi lanh được gắn vào có tác dụng như một thanh khóa, giúp ổ đạn không bị xoay bởi lực kéo của lò xo lúc không cần thiết. Khi bóp cò, áp lực khí thuốc sẽ mở khóa xi lanh và làm quay ổ đạn để nạp viên mới, thao tác này lặp lại cho đến khi bắn hết 6 viên.
Với kính ngắm điểm đỏ, tốc độ lấy đường ngắm của MGL sẽ rất nhanh và xạ thủ có điều kiện quan sát chiến trường tốt hơn do không phải nheo một mắt như lúc sử dụng thước ngắm cơ khí.
Xem phóng sự: Chuyện đời - Chuyện nghề (tập 8). Nguồn Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. |
Theo Sao Đỏ (Soha/Thời Đại)