Súng trường tấn công bullpup TAR-21 của Hải quân đánh bộ Việt Nam được trang bị một loại ống phóng lựu đặc biệt, hình dáng rất giống M203 nhưng lại không có cò súng.
Trong cuộc triển lãm một số loại súng bộ binh do Công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất diễn ra vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã chính thức giới thiệu ống phóng lựu kẹp dưới nòng kiểu M203 trang bị cho súng AK cải tiến.
|
Một số loại súng bộ binh do Công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất
|
Việt Nam lựa chọn gắn kèm M203 cho AK có thể vì lý do chính là đồng bộ cỡ đạn với M79 đã sản xuất trong nước từ lâu và nâng cao đáng kể sức mạnh hỏa lực cấp tiểu đội, do không còn bị mất 1 tay súng AK như trước kia nữa.
Ngoài AK, ống phóng lựu kẹp nòng M203 còn phù hợp với nhiều loại súng trường tấn công và carbine hiện có trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, như M18 hay TAR-21.
Tuy nhiên, theo những hình ảnh đã được công bố, TAR-21 trang bị cho Hải quân đánh bộ Việt Nam lại đi kèm một loại ống phóng lựu khác biệt, hình dáng rất giống M203 nhưng không có cò súng.
|
TAR-21 trang bị cho Hải quân đánh bộ được gắn loại ống phóng lựu đặc biệt |
Hiện tại vẫn chưa có thông báo chính thức đây là loại ống phóng lựu nào, nhưng rất có thể đó chính là T-40 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
T-40 được phát triển vào đầu thập niên 1990 để trang bị cho súng trường tấn công G3 đang phục vụ rộng rãi trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thiết kế của T-40 dựa trên 2 loại súng phóng lựu rất thành công là M203 của Mỹ và HK 79 của Đức.
|
Ống phóng lựu HK 79 gắn dưới nòng súng trường tấn công G3 |
Các kỹ sư lấy nòng M203 và gắn trên giá đỡ của HK 79, kết hợp với việc chỉnh sửa lại cơ cấu khai hỏa. Kết quả là họ đã có một loại ống phóng lựu kẹp nòng với tính năng kỹ chiến thuật tốt hơn M203 và giá thành chế tạo rẻ hơn HK 79.
Thông số kỹ thuật cơ bản của T-40: Trọng lượng rỗng 1,75 kg; chiều dài 395 mm với nòng dài 305 mm; chiều rộng 60 mm; chiều cao 107 mm.
|
Súng phóng lựu T-40 |
T-40 cũng sử dụng loại đạn 40 x 46 mm tương tự như M203, cho tầm bắn hiệu quả 150 m và tối đa lên tới 400 m, sơ tốc đạn 76 m/s, một người lính được huấn luyện kỹ càng có thể bắn với tốc độ 5 - 7 phát/phút.
Đạn được nạp từ phía sau buồng đạn, tức là xạ thủ phải nắm ốp nòng súng và đẩy về phía trước để buồng đạn được mở ra.
Khi cần nạp viên đạn tiếp theo thì làm như quy trình ban đầu, tuy nhiên lúc này móc đạn sẽ hất vỏ đạn ra khỏi buồng đạn khi nòng súng được đẩy về phía trước.
Điểm đặc biệt nhất của T-40 là nó không có cò súng, để khai hỏa người lính chỉ cần dùng ngón tay cái bấm vào chốt gạt ở phía trái.
Thao tác này có ưu điểm là tạo ra độ cân bằng tốt hơn và vị trí tay được giữ nguyên, không phải di chuyển đến vị trí cò súng như M203. Bên phải của T-40 cũng có một chốt gạt tương tự dành cho xạ thủ thuận tay trái.
|
Một số loại đạn của súng phóng lựu T-40 |
Tương tự M203, T-40 bắn được nhiều loại đạn chuyên dụng gồm đạn nổ phá mảnh, đạn lõm xuyên giáp, đạn “nhảy”, đạn hơi cay, đạn pháo hiệu, đạn chiếu sáng và đạn khói.
|
Binh lính Ấn Độ với súng TAR-21 gắn ống phóng lựu T-40 |
Ngoài Việt Nam, Quân đội Ấn Độ cũng mua và sản xuất một lượng lớn ống phóng lựu kẹp nòng T-40 để trang bị cho súng trường tấn công TAR-21 của mình. Hiện tại vẫn chưa rõ những khẩu T-40 của Việt Nam có xuất xứ từ Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ.
Theo Bạch Dương (Dailo.vn)