Trên tờ Khmer Times, ông Sin Chanserivutha, người phát ngôn kiêm Thứ trưởng Bộ Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) cho biết: “Thông tin truyền thông đưa tin về MH370 ở Campuchia là giả mạo. Chúng tôi không biết mục đích của thực sự của tin tức sai lệch này, nhưng chúng tôi chỉ biết rằng họ có ý đồ xấu để chống lại Campuchia”.
Vị thứ trưởng cũng giải thích thêm, việc tung những tin đồn sai sự thật trên truyền thông quốc tế cộng với hình ảnh đã xuất bản từ cách đây 8 năm và mới sửa lại thông tin rồi tái bản sẽ rất dễ gây ra những sự hiểu lầm.
Những chia sẻ của ông Sin Chanserivutha được đưa ra khi tờ Mirror của Anh đưa tin rằng "Google Maps đã giải mã bí ẩn của MH370 khi xác máy bay được phát hiện trong một rừng rậm ở Campuchia".
Ông Chanserivutha cho rằng nếu các nhà nghiên cứu quốc tế hoặc bất kỳ ai tìm thấy và có đủ bằng chứng chứng minh được rằng máy bay của Malaysia Airlines mất tích được tìm thấy trong rừng rậm ở Campuchia thì chính quyền nước ông sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng Malaysia.
Trước đó trên tờ Mirror, Ian Wilson, một người tự xưng là chuyên gia về hàng không đến từ Anh cho rằng phần còn lại của chiếc máy bay Malaysia Airlines mất tích với 239 hành khách và phi hành đoàn bên trong đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, đang nằm rải rác sâu trong một khu rừng rậm ở Campuchia.
“Khi đo hình ảnh trên Google, chiều dài vật thể khoảng 69 m, nhưng dường như có một khoảng trống giữa đuôi và thân sau của máy bay. Điều này có thể giải thích cho việc vật thể dài hơn máy bay một chút”, ông Wilson chia sẻ trên Mirror.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Campuchia đã cử 2 tàu và 4 trực thăng tới hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370. Cuộc tìm kiếm ở Campuchia có sự tham gia của 80 nhân viên hải quân và quân đội, bao gồm các chuyến bay trên đất liền và trên biển Campuchia. Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm của Campuchia không phát hiện dấu vết nào của chiếc máy bay.
Máy bay Boeing 777 mang số hiệu chuyến bay MH370 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã mất tích khi đang trên đường từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 8.3.2014.
Kể từ khi MH370 mất tích, 2 cuộc tìm kiếm máy bay đã được triển khai ở Ấn Độ Dương nhưng đều thất bại.
Malaysia, Trung Quốc và Australia đã chi hơn 130 triệu USD cho cuộc tìm kiếm dưới nước vào tháng 1.2017 nhưng không thu được kết quả gì.
Cuối năm 2018, Malaysia hợp tác với công ty Mỹ Ocean Infinity để tìm kiếm MH370 ở phía nam Ấn Độ Dương.
Trong cuộc tìm kiếm này, Ocean Infinity sẽ được trả 20 triệu USD nếu máy bay được tìm thấy trong phạm vi tìm kiếm 5.000 km2, 30 triệu USD trong phạm vi 10.000km2 và 50 triệu USD trong phạm vi 25.000km2. Ngoài phạm vi này, công ty được nhận 70 triệu USD. Tuy nhiên, công ty không nhận được đồng nào nếu không tìm thấy máy bay mất tích.
Tháng 5 năm nay, công ty thám hiểm biển tư nhân có trụ sở tại Mỹ tiếp tục trình bày với giới chức Malaysia về đề xuất tìm kiếm mới nhằm tìm kiếm MH370.
Theo Hiệp hội Thân nhân Hành khách và Phi hành đoàn MH370, đề xuất tìm kiếm này dựa trên cơ sở “không tìm thấy, không tính phí”.
Đề xuất của Ocean Infinity nhằm tìm kiếm chiếc máy bay mất tích 10 năm trước đã được đệ trình cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Malaysia cũng như các quan chức cấp cao của Bộ này và các cơ quan chính phủ khác.
Trước đó, tháng 3.2024, công ty có trụ sở tại Texas tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng khoa học mới về vị trí cuối cùng của MH370.
QT (SHTT)
https://sohuutritue.net.vn/campuchia-phu-nhan-viec-viec-co-manh-vo-cua-mh370-trong-rung-d220973.html