Hôm thứ Sáu (8/3), hàng chục thân nhân của các hành khách đã gặp các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh trong chuyến hành trình dài để tìm câu trả lời. Họ cũng đã đến thăm Đại sứ quán Malaysia để trình bày yêu cầu của mình. Dù đã qua một thời gian dài nhưng vết thương vẫn còn nguyên đối với nhiều gia đình Trung Quốc có con mất tích trong chuyến bay MH370 10 năm trước.
Hôm 8/3 vừa qua cũng là ngày kỷ niệm 10 năm chuyến bay MH370 mất tích. Chiếc Boeing 777 rời Kuala Lumpur đi Bắc Kinh với 239 người trên máy bay vào ngày 8 tháng 3 năm 2014, nhưng rẽ ngoặt về hướng nam và rơi khỏi radar. Nó không bao giờ đến được Bắc Kinh.
Việc chiếc máy bay đột nhiên biến mất đã thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới và làm nảy sinh vô số thuyết âm mưu. Sau đó, người ta chỉ tìm thấy những mảnh vỡ của máy bay.
Phần lớn hành khách trên máy bay (154 người), là người Trung Quốc.
Trong số các gia đình có cha mẹ già mất con cái đã trưởng thành.
“Máy bay đã đi đâu? Người ở đâu?” Li Shuce, một người đàn ông đã mất con trai trên chuyến bay, cho biết. “Nếu con trai tôi còn sống, tôi muốn gặp nó; nếu con tôi đã chết, tôi muốn nhìn thấy xác của nó.”
Ông Li bị cảnh sát chặn lại, họ đang cố ngăn đám đông phía trước tòa nhà nơi các gia đình gặp gỡ các quan chức chính phủ.
Sau đó, các gia đình đã đến đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh và hô vang trước tòa nhà: “Malaysia, hãy trả lại người thân yêu của tôi! Không nhìn thấy họ, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc.”
Một người phụ nữ họ Gao cho biết, bà nghĩ rằng chồng mình đã qua đời vào năm ngoái do quá ám ảnh bởi việc con trai của họ biến mất cùng chuyến bay MH370: "Con trai tôi đang trở về sau kỳ nghỉ cùng vợ và đứa con gái 3 tuổi của nó ở Malaysia khi chuyến bay biến mất", bà Gao cho biết.
Bà Gao và chồng thuộc thế hệ chỉ được phép sinh một con vì chính sách một con của Trung Quốc, hiện chính sách này đã được nới lỏng.
“Yêu cầu duy nhất của tôi là được biết chuyện gì đã xảy ra với con trai mình. Chúng tôi cần được biết điều này. Tôi không có yêu cầu nào khác.” Bà Gao cho biết rằng mình không quan tâm đến khả năng bồi thường từ hãng hàng không dù một tòa án ở Trung Quốc đang tổ chức điều trần vụ việc.
Gia đình bà Gao và nhiều gia đình khác vẫn đang nuôi hy vọng nhận được câu trả lời thích đáng. Tuần trước, các quan chức Malaysia cho biết họ sẽ xem xét khởi động lại nỗ lực tìm kiếm máy bay, sau khi một công ty Mỹ tiến hành cuộc tìm kiếm.
Bà Gao cho biết, bà đã cố gắng tiếp tục sống vì gia đình.
“Tôi không thể bỏ cuộc được. Nếu tôi không đấu tranh thì làm sao tôi có thể đối mặt với những người thân đã khuất của mình? Khi gặp những tình huống như thế này, bạn phải tự mình hành động, bạn phải mạnh mẽ lên”.
Theo AP
HV (SHTT)