*Năm 1982, chuyến bay số hiệu 232 của hãng United Airlines gặp nạn khi hạ cánh. Toàn thân máy bay vỡ vụn, chìm trong biển lửa. Thế nhưng, 184/296 người đã sống sót. Và sau đây là chuyện đã xảy ra với những người có mặt trên chuyến bay ngày đó.
Brad Griffin đặt tay lên hàng ghế hạng nhất phía trước - cũng chính là hàng ghế đầu tiên trên máy bay. Ở đó có Gerald Harlon Dobson - một quân nhân về hưu - đang ngồi cùng Joann - vợ ông, đang trong trang phục sặc sỡ mùa lễ hội của Hawaii.
Griffin ngồi thiền một chút. Ông chẳng có chút run sợ dù cảm thấy máy bay đang đi nhanh hơn thường lệ. "Khi chúng tôi xuống đến đường băng, dây an toàn bung ra." - Griffin hồi tưởng. Ông ngỡ ngàng vài giây, rời khỏi ghế, nhìn sang hành khách tên Michael Kielbassa đang ngồi cạnh.
"Nếu chỉ có vậy thì chúng ta sẽ ổn." - ông trấn an Kielbassa.
Nhưng chỉ vài giây sau, mọi thứ dần chuyển sang màu xám. Chiếc máy bay vỡ vụn ra, còn ông gần như không thể thở được. Buồng lái bị tách rời, lửa bùng lên tại các đường ống trên thân máy bay. Đến khoang hạng nhất cũng bị gãy rời khỏi thân tàu.
Lửa bùng lên khiến oxy trong cabin sụt hẳn. Griffin cảm thấy sự ngột ngạt tăng lên, cộng thêm không khí xung quanh nóng dần. Nhìn lên phía trước, hình hài chiếc máy bay dần trở nên khó nhận dạng hơn, khi các bộ phận tiếp tục rời ra. Ông ngắm nhìn cảnh tượng ấy một lúc, rồi đột nhiên bị quăng vào không trung.
"Tôi như rơi tự do vậy. Khi chiếc máy bay vỡ thành từng mảnh, tôi bị quăng ra khỏi máy bay, và tôi thấy lửa cháy. Và vì đã rời khỏi máy bay nên tôi chỉ nghĩ 'nếu mình ở đó, mình chết chắc." - Griffin nhớ lại.
Griffin tin rằng mình đã văng đi cả trăm mét. "Tôi ngã xuống một cánh đồng ngô và bất tỉnh trong vài phút - có lẽ khoảng 2 phút, không rõ nữa. Lúc đó tôi đang đi một đôi sandals, cảm giác đôi chân mát dần thật tuyệt." Lúc này, ông vẫn chưa biết toàn bộ xương bàn chân mình đã vỡ nát. Đôi chân ấy cũng bị bỏng nặng vì bị lửa thiêu cháy. Nhưng ông vẫn gượng đứng dậy, quan sát tình hình.
"Chiếc máy bay khi đó cách tôi khá xa. Tôi nghĩ mình cần phải bình tĩnh nằm xuống, rồi nghe thấy tiếng kêu cứu, từ nhiều phía. Và tôi cũng hét lên cầu cứu luôn."
Trên con đường phía xa, Greg Clapper để lại vợ - Jody - và 2 con gái trong ô tô, giục họ đi xem phim rồi chạy đi. Clapper có bằng tiến sĩ của một trường đại học, là một người có chức vị khá lớn. Nhưng lúc này ông chỉ có một vài câu hỏi: Liệu mình có thể giúp gì?
Ông chạy đến cánh cổng của bệnh viện, yêu cầu được gặp Chuck Sundberg - giám đốc Sở Y tế Siouxland. Sau vài câu chào hỏi, Sundberg chuẩn bị cho ông một tấm thẻ, đồng thời điều người chở ông tới hiện trường. Khi đến nơi, ông chứng kiến một khung cảnh thực sự không tưởng: giấy tờ cháy bay khắp nơi, xung quanh toàn màu xám xịt của tro và khói bụi. Và ông nhìn thấy một người đàn ông nằm ở mép đồng ngô, cơ thể như bị tàn phá bởi chấn động.
"Anh tên gì?" - Clapper quỳ xuống hỏi.
"Brad." - Griffin trả lời.
"Tôi là một tuyên úy, Brad à. Hãy tiếp tục hít thở, sẽ có người đến giúp ngay bây giờ."
Khoảnh khắc định mệnh
Ngay khi có lệnh "chuẩn bị va chạm", Susan White và các tiếp viên khác đã phải liên tục hét lên với hành khách lời cảnh báo này.
"Ngay trước lúc va chạm, tôi hít một hơi thật sâu và tự trấn an bản thân." - White nhớ lại. Và rồi cô cảm thấy một cơn chấn động kinh hoàng, cùng quả cầu lửa bùng lên phía bên ngoài, gần như nuốt trọn thân tàu. "Mọi thứ bên trong bị đảo lộn. Ít nhất 3 lần tôi va phải cánh cửa."
Các tiếp viên luôn khóa cửa nhà vệ sinh trước khi hạ cánh để phòng nguy hiểm xảy ra. Nhưng giờ, White thấy cánh cửa ấy bật mở, mọi thứ bên trong tan nát hết cả.
"Chân, tay tôi văng lên không trung. Nó giống như thể một cơn lốc toàn khói bụi và mảnh vỡ mà chúng tôi bị cuốn vào vậy. Nhưng tôi không nhắm mắt, vì cần phải tỉnh táo để gạt đi thứ gì va vào mình."
Rồi mọi thứ cũng êm trở lại. Quả cầu lửa ban nãy đã biến mất. Sau vài phút định thần, bản năng của một tiếp viên hàng không khiến White lập tức hét lên: "Tháo bỏ dây an toàn và rời máy bay ngay lập tức."
Đuôi máy bay bị tách ra, văng rất mạnh dọc trên con đường số 22 và dừng lại giữa giao lộ. Nó nghiêng ở một góc đủ để khiến Dave Randa và mẹ bị treo lơ lửng khoảng 4m trên đống kim loại đổ nát. Dave - vẫn đang được giữ lại trên ghế nhờ dây an toàn - nhận định cách duy nhất để thoát ra là nhảy xuống. Nhìn quanh, hàng ghế phía trên cậu vẫn còn nguyên, nhưng mọi người đã rời đi. Trong lúc đó, Susan White vẫn liên tục thông báo cho mọi người tháo dây an toàn và rời đi.
Với hiệu lệnh từ White, mẹ của Dave - Susan Randa tháo dây an toàn. Dave nhìn thấy bóng mẹ xa dần, rơi xuống đống kim loại bên dưới, và lập tức đứng lên.
Khi rơi xuống, Susan va phải một số thứ. Tuy nhiên lúc nhìn lên và thấy Dave ở đó, bà sững sờ. "Ôi, mày để con ở lại rồi. Giờ làm sao nó xuống được?" - Susan tự nói với chính mình. Mắt bà vốn đã đỏ hoe vì lửa, và giờ ý nghĩ bỏ rơi chính con trai khiến bà như sụp đổ.
Susan gọi Dave, bảo con giữ thật chắc thân ghế trước khi tháo dây an toàn. Dave khi đó là một cậu trai có thể hình khá khỏe mạnh và to lớn so với tuổi của mình. Cậu co chân lên ghế, thả chân xuống trước rồi nhảy xuống đúng vị trí mẹ đang đứng. "Tạ ơn trời, thằng bé đã làm được." - Susan nhớ lại. Dave khi đó bị vài mảnh kim loại cứa vào mắt cá, nhưng về tổng thể là không bị thương.
Ký ức không quên
Khi Jan Brown chuẩn bị đưa ra thông báo tới, đôi môi cô trở nên khô khốc. Chúng dính chặt vào nhau, như thể được gắn lại bằng keo vậy. Với tay lấy một chút nước ở vòi rửa, cô thoa lên môi để có thể mở miệng ra, rồi chuẩn bị cất tiếng.
Trong lúc đó, Alfred C. Haynes - phi công của chuyến bay cũng chuẩn bị đưa ra thông báo cuối cùng. Vì một lý do nào đó chưa rõ, những gì ông nói không được hệ thống ghi lại. Haynes chỉ nhớ rằng ông bắt đầu thông báo bằng câu "Đây không phải chuyện đùa." Còn hành khách sống sót cho biết, ông đã cảnh báo rằng đây sẽ là lần hạ cánh khốc liệt nhất.
Lần đầu tiên trong đời, Brown có được thứ mình muốn: sự chú ý của toàn bộ hành khách. Cô nhớ lại trong suốt sự nghiệp của mình, hành khách gần như chẳng chú ý gì đến tiếp viên. Họ chỉ xem cô là người đưa cho họ cafe, mang gối cho họ lúc cần. Và giờ, tất cả đều ngước nhìn cô bằng một ánh mắt hy vọng, chờ đợi xem phải làm gì tiếp theo.
"Thưa quý ông quý bà, đây là tiếp viên trưởng đang nói. Trong lúc chúng tôi chuẩn bị, hãy chú ý đến những điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn cho quý khách. Vào lúc này, hãy ngưng hút thuốc; dựng thẳng lưng ghế; gập bàn ăn phía trước; thắt chặt dây an toàn phía dưới bụng."
"Nhìn vào tấm thẻ an toàn đặt trong túi phía trước để biết các tư thế tự bảo vệ."
"Sau khi thắt dây, hãy cúi người về phía trước, ôm chặt mắt cá chân. Nếu không thể với tay đến mắt cá, hãy bắt chéo tay phía trước ngực, cúi về phía trước, đặt bàn tay lên lưng ghế trước và dựa trán vào đó."
Brown ngưng lại một lúc để chờ đội tiếp viên giúp hành khách. Sau đó cô tiếp tục:
"Thưa quý khách, tín hiệu bắt đầu tư thế bảo vệ sẽ được cơ trưởng phát ra khoảng 1 phút trước khi hạ cánh. Tín hiệu sẽ là: 'Brace! Brace! Brace', và tiếp viên cũng sẽ đưa ra thông báo này. Hãy giữ nguyên tư thế cho đến khi máy bay hoàn toàn dừng lại. Các tiếp viên sau đó sẽ thông báo 'Tháo dây an toàn và rời máy bay!' Lúc này hãy bỏ lại tư trang, nhanh chóng rời khỏi máy bay bằng cửa thoát hiểm."
Kết thúc thông báo, cô nghe thấy âm thanh lạ sau lưng. Đó là Jan Murray - một tiếp viên, đang ôm chặt bình oxy trong tay. Chiếc bình đó vốn để dành cho Vincenta Eley, một người có tiền sử bị đau tim và cần phải thở oxy. Nhưng trong tình huống khẩn cấp này, chiếc bình ấy thực sự khó đến tay người cần.
"Tôi phải làm gì với thứ này? Có nên để vào nhà vệ sinh?" - Murray cất tiếng hỏi.
Brown tưởng tượng ra cảnh chiếc bình nặng nề ấy sẽ bung khỏi cửa nhà vệ sinh, văng lung tung như một quả pháo bất trị khi vụ va chạm xảy ra. "Không, đặt nó vào xe đẩy đi." - cô quả quyết.
Brown ngồi vào chỗ của mình, cố gắng tự thuyết phục rằng mình đã mang lại đủ thông tin trong bản thông báo. "Rồi tôi quay lại và thấy một cặp cha mẹ đang để con trên đùi." - Brown nhớ lại, và lập tức bảo họ đặt con xuống sàn. "Lúc đó tôi kiểu 'Trời ơi, tôi vừa làm gì thế này. Tôi bảo họ đặt tài sản quý giá nhất cuộc đời lên sàn?'"
Thế rồi toàn bộ cabin chìm vào im lặng, chỉ còn tiếng dền dứ từ động cơ. Để hỗ trợ việc mở cửa thoát hiểm, Brown đã nhờ tới 3 hành khách gần cô nhất: Upton Rehnberg - anh chàng bự con; Helen Young Hayes - chuyên gia phân tích đầu tư; và John Transue - một doanh nhân. Mọi thứ đã chuẩn bị xong và Brown biết rằng mình chỉ còn có thể chờ đợi. Xung quanh cô, mọi người ôm chặt đầu và cầu nguyện.
Rồi thời khắc ấy cũng đến. Haynes phát tín hiệu, Brown và Murray đồng loạt hét lên "Brace!" Nó bắt nguồn từ "brachiu" trong tiếng Latin, nghĩa là cánh tay. Còn trong tiếng Anh, nó còn mang nghĩa là một cái ôm. Một cái ôm tạm biệt.
Brown cho biết, cô chưa bao giờ tin tưởng vào tư thế bảo vệ thứ 2 - để tay và đầu lên ghế trước, thay vì ôm chặt mắt cá. Tư thế này rất tiện, nhưng mang lại một số rủi ro. Một số người bị gãy tay vì tư thế này. Mà thực ra, tư thế đầu tiên cũng vậy: một số sẽ bị bầm mắt vì đập mặt vào chính đầu gối của mình.
Brown và Murray nhận ra một số người đang ngẩng lên, có lẽ vì tò mò. Các tiếp viên lập tức hét lên, yêu cầu họ cúi xuống. Họ phải hét, vì đây là thời khắc sinh tử.
Và rồi cơn va chạm xuất hiện. "Chiếc máy bay đập rất mạnh vào nền đất. Tôi vẫn nhớ mình đã vô tình nhắm mắt, rồi mở ra và cảm thấy không thể tin rằng cơ thể mình vẫn còn nguyên. Nhìn lên trên, tôi thấy 2 khoang hành lý bật mở. Nhưng lúc này tôi như bất tỉnh rồi, vì nghĩ chẳng thể làm được gì nữa."
Brown sau đó có ấn tượng rằng mình thực sự đã bất tỉnh, nhưng cô vẫn nhớ được mọi thứ: từ âm thanh, cảm giác cho đến mùi. Thế rồi cánh cửa bên cạnh bung mở, và một ngọn lửa ập đến, phủ lên người cô.
"Khi đó tôi nghĩ mình sẽ ổn, thậm chí cảm thấy rất tuyệt!" - đó là Jan Brown, với cảm giác nghi hoặc, hài hước và mỉa mai trước chính cái chết của mình. Cô cảm thấy 2/3 cơ thể bị lửa chạm tới, một bên tóc bị thiêu rụi, tất và giày không còn nữa.
"Đó là khoảnh khắc tôi thấy thanh thản nhất. Không sợ hãi, không đau đớn, hoàn toàn thanh thản." - sau nay cô nhớ lại. Còn khi đó, Brown như lịm đi, lơ lửng giữa mê và tỉnh.
Chuyến bay 232 của United Airlines được khai thác bằng chiếc McDonnell Douglas DC-10 vào ngày 19/7/1989, lịch trình từ Denver, Colorado đến sân bay quốc tế O'Hare ở Chicago, sau đó tiếp tục bay đến sân bay quốc tế Philadelphia.
Một đĩa cánh quạt trong động cơ số 2 vỡ, làm hư hại hầu hết các bộ phận điều khiển bay. Dennis Fitch, giáo viên dạy bay đã giúp các phi công bằng cách điều chỉnh độ hoạt động khác biệt giữa các động cơ. 175 người trong số 285 hành khách, và 10 trên 11 phi hành đoàn sống sót.
Mặc dù có số lượng tử vong cao, vụ tai nạn được coi là một ví dụ điển hình của việc xử lý các trường hợp khẩn cấp, qua đó nâng được số lượng người sống sót.
Nguồn: Salon
Theo J.D (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)