Chia sẻ với tờ New York Times, Viktoria cho biết, sở dĩ cô có thể làm được việc này bởi công ty môi giới mang thai hộ đã hỗ trợ về tài chính và cấp cho cô một căn hộ ở thủ đô Kiev nhằm đảm bảo sự an toàn cho cô và thai nhi. Dù ban đầu không muốn rời xa quê hương, vùng Kharkiv, nhưng giờ đây cô đã thấy vui vẻ hơn ở nơi sự sống được đảm bảo tốt hơn.
Viktoria là một trong số hàng trăm phụ nữ làm công việc mang thai hộ đã đủ 7 tháng, phải chạy trốn vì những tiếng còi báo động không kích vang lên, ẩn náu trong hầm trú bom hay sơ tán khỏi các thị trấn đổ nát để sinh con cho những gia đình ở nước ngoài.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2, Ukraine là một trong số ít những quốc gia cho phép công dân mình mang thai hộ cho các gia đình ở nước ngoài. Sau một thời gian phải tạm dừng vào mùa xuân, các công ty môi giới hiện đang tiếp tục trở lại công việc của mình bất chấp nhiều chỉ trích từ những nhà phê bình coi đây là sự bóc lột hay những nguy hiểm rình tập từ bom đạn của những cuộc không kích.
Trả lời những cuộc phỏng vấn của New York Times, rất nhiều phụ nữ mang thai hộ cho biết, việc nhận những khoản tiền hỗ trợ từ các trung tâm môi giới cũng như các gia đình giúp họ đảm bảo cuộc sống của gia đình bằng cách cho phép họ rời khỏi những nơi bị Nga bao vậy hoặc thường xuyên bị pháo kích. Tuy nhiên, trong một số trường hợp họ sẽ phải đối mặt với những hiểm họa mới mà nếu ở nhà họ sẽ không bao giờ phải tiếp xúc như vượt qua những trạm kiểm soát của người Nga để rời khỏi lãnh thổ đang bị kiểm soát.
Các công ty môi giới mang thai hộ đang dần thích ứng với tình hình chiến sự. Bên cạnh việc giúp đỡ những người phụ nữ mang thai hộ và gia đình của họ chuyển đến những khu vực an toàn, một số chủ công ty cũng đã phải chăm sóc cho những đứa trẻ sau khi cha mẹ ruột của chúng chưa thể nhập cảnh vào Ukraine do trở ngại về chiến sự hay những lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Svitlana Burkovska, chủ một công ty nhỏ, thậm chí đã phải đưa đứa trẻ sơ sinh về nhà riêng của mình trong nhiều tháng để chăm sóc.
Ban đầu, cũng có những lo ngại về tình hình chiến sự ở thủ đô Kiev, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, cuộc sống ở miền Tây và miền Trung Ukraine đã dần đi vào ổn định bất chấp việc nhiều nơi khác như ở miền Nam và miền Đông vẫn đang có những cuộc giao tranh ác liệt.
Ihor Pechenoha, giám đốc y tế của công BioTexCom (công ty môi giới mang thai hộ lớn nhất Ukraine và cũng là một bệnh viện) cho hay: "Chúng tôi không để mất thai phụ nào. Công ty đã cố gắng đưa tất cả các bà mẹ ra khỏi nơi mà quân đội Nga kiểm soát và pháo kích". Nhưng trong nhiều tháng, những người phụ nữ nghĩ rằng họ phải bảo vệ được mạng sống của mình trước khi kiếm được tiền bằng cách tạo ra các sinh linh bé bỏng.
Bên ngoài thủ đô, nhiều thai phụ đẻ thuê đã phải ngủ trong những chiếc ô tô bên vệ đường bụi bặm sau khi thoát khỏi vùng đất mà lực lượng Nga kiểm soát, đối mặt với sự thẩm vấn của binh lính Nga hay sống trong các hầm dưới lòng đất.
Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, 19 đứa trẻ được sinh ra bởi phụ nữ mang thai hộ đã được nuôi dưỡng trong một nhà trẻ dưới tầng hầm ở thủ đô Kiev. Nhiều tuần và nhiều tháng sau đó, cha mẹ ruột của những đứa trẻ không thể tới Ukraine hay liên lạc với những người chăm sóc con họ. Tuy nhiên đến tháng 8, tất cả em bé đã được đưa về nhà.
Albert Tochylovsky, giám đốc BioTexCom, cho hay cuộc chiến đã không làm giảm nhu cầu đối với dịch vụ mang thai hộ của các cặp vợ chồng đang khao khát có con. "Họ sốt sắng tìm phụ nữ mang thai hộ và không quan tâm nhiều tới cuộc chiến", ông nói.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, BioTexCom đã giúp thụ thai cho khoảng 50 phụ nữ mỗi tháng. Từ đầu tháng 6, công ty thực hiện ít nhất 15 ca mang thai mới. Với số tiền thu được, công ty đã giúp chuyển các bà mẹ từ những nơi tiền tuyến và các vùng mà Nga kiểm soát về thủ đô Kiev hay những nơi an toàn hơn.
Nhiều phụ nữ mô tả mang thai hộ là "công việc" - một thuật ngữ mà các bác sĩ nói để tránh việc nảy sinh tình cảm gắn bó với những đứa trẻ mà họ mang trong mình. Vào mỗi buổi sáng thời gian gần đây ở Kiev, khoảng 20 phụ nữ xếp hàng tại khu vực lễ tân của BioTexCom để kiểm tra sức khỏe hoặc chuẩn bị mang thai. Tất cả đều có những câu chuyện liên quan đến chiến tranh để kể và những mất mát đau thương. Tất cả phụ nữ, trong đó có Viktoria, thừa nhận họ mang thai hộ để có tiền, tình yêu dành cho con của họ và mong muốn để con tận hưởng cuộc sống an toàn.
"Tôi mang thai hộ vì chuyện kinh tế, vì tôi có sức khỏe tốt và có thể giúp người giàu sinh con", Olha, một phụ nữ 28 tuổi, chia sẻ.
Trước chiến tranh, ngành đẻ thuê phát triển mạnh ở Ukraine và mỗi phụ nữ nhận mang thai hộ có thể kiếm 20.000 USD (gần 500 triệu đồng) cho mỗi lần mang thai. Chiến tranh càng khiến nhu cầu tài chính trở nên cấp bách hơn.
Một phụ nữ 30 tuổi đề nghị giấu tên cho biết "công việc" đã đưa gia đình cô tới nơi an toàn. “Với sự giúp đỡ của việc mang thai hộ, tôi đã cứu được gia đình mình”.
Cuộc chiến đã gây ra nhiều tình thế khó xử đối với nhiều thai phụ, khách hàng thuê sinh con và nhân viên y tế. Viktoria và gia đình cô phải đối mặt với một tình huống khó xử như vậy. Khoản thù lao đẻ thuê của cô sẽ giúp họ sống sót, nhưng gia đình chưa biết họ nên đi đâu sau khi cô sinh xong. Gia đình vẫn ở trong căn hộ ở Kiev do công ty môi giới thuê, trong khi quê hương của cô, Kharkov, vẫn hứng những trận pháo kích thường xuyên.
Trong khi đó đối với nhiều bà mẹ mang thai hộ, câu hỏi đặt ra là sinh ở đâu. Các mối đe dọa không chỉ bao gồm chiến tranh, mà còn bao gồm cách xử lý đối với một ca đẻ thuê của chính quyền do Nga thành lập ở vùng mà họ kiểm soát.
Một phụ nữ mang thai hộ tên là Nadia từng sống tại một ngôi làng trên lãnh thổ do lực lượng Nga kiểm soát, dù không có nguy cơ bị pháo kích, nhưng cô vẫn quyết định di tản đến lãnh thổ của Ukraine để sinh em bé, vì sợ rằng chính quyền của Nga sẽ từ chối quyền giám hộ của cha mẹ ruột đứa trẻ và cô sẽ mất khoản thù lao. Nadia đã cùng chồng và con gái 11 tuổi ngủ trong ô tô bên vệ đường trong 2 ngày để chờ qua chiến tuyến.
Zhang, một khách hàng nước ngoài của BioTexCom, đã phải vượt qua vô vàn khó khăn mới có thể gặp con ở Ukraine sau khi đứa trẻ chào đời 6 tháng trước. "Cảm giác chờ đợi thật kinh khủng. Chiến sự khiến tôi cảm thấy lo lắng", Zhang thổ lộ. Gặp đứa con ruột ở độ tuổi 6 tháng, một cảm xúc kỳ lạ dâng trào trong Zhang. "Khi con lớn lên, tôi sẽ kể con nghe câu chuyện này", Zhang nói.
Bình Minh (Nguoiduatin.vn)