Iran tấn công tên lửa vào Israel. Video: Guardian |
Theo ABC News, các chuyên gia cho hay đó là cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo lớn nhất trong lịch sử nhằm vào một quốc gia. Các thành phố lớn của Israel như Tel Aviv và Jerusalem đều bị nhắm bắn trong cuộc tấn công tên lửa ngày 1/10 của Iran. Tel Aviv tuyên bố, bất chấp quy mô và sức mạnh của vụ tấn công, hầu hết các tên lửa của Iran đều bị hệ thống phòng không Vòm sắt tinh vi của Israel chặn lại.
Hệ thống Vòm sắt của Israel do công ty công nghệ quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems của nước này phát triển và chế tạo với sự trợ giúp của Mỹ, có giá 121 triệu USD. Nó được cho là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới. Hệ thống này sử dụng radar để xác định vị trí của các tên lửa, máy bay không người lái, rocket đang lao tới rồi bắn tên lửa đánh chặn để loại bỏ mối đe dọa.
Quân đội Israel cho hay, kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2011, hệ thống này đã chặn được hàng nghìn tên lửa, rocket mà nhóm Hamas và Hezbollah phóng vào lãnh thổ nước này. Israel đang triển khai khoảng 10 hệ thống Vòm sắt khắp đất nước, phiên bản hải quân của hệ thống này được đưa vào sử dụng năm 2017.
Trong khi Israel tuyên bố, hầu hết các tên lửa lao tới đều bị chặn và không làm ai bị thương thì Iran khẳng định, 90% các mục tiêu mà nước này nhắm đến trong cuộc tấn công đã bị bắn trúng.
Các lực lượng Iran cho biết, lần đầu tiên họ đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm tầm trung Fattah-2 trong cuộc tấn công lớn nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Israel. Cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự quan trọng, là nơi cất máy bay chiến đấu F-35 của Israel như căn cứ không quân Nevatim gần Beersheba và căn cứ Tel Nof. Ngoài ra, căn cứ không quân Hatzerim ở sa mạc Negev và trụ sở của Mossad ở Tel Aviv cũng bị nhắm tới.
Theo các quan chức Iran, nước này dùng tên lửa Fattah-2 để nhắm vào hệ thống phòng thủ Arrow của Israel, loại được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Fattah-2 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trong khoảng 1.500km, nhỉnh hơn một chút so với phiên bản tiền nhiệm Fattah-1. Tên lửa này có khả năng thay đổi quỹ dạo đáng kể trong khi bay để qua mặt hệ thống phòng thủ. Nó sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hình cầu với vòi phun di động để tăng cường khả năng kiểm soát hướng. Phương tiện tái nhập của Fattah-2 được trang bị nhiên liệu hydrazine để tăng tốc và cơ động trong khí quyển.
Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel Daniel Hagari xác nhận, một số tên lửa của Iran đã vượt qua được hệ thống phòng thủ của nước này, bắn trúng các mục tiêu ở miền trung và nam Israel.
Chuyên gia quân sự Michael Shoebridge - Giám đốc, người sáng lập tổ chức Phân tích chiến lược Australia đã giải thích cách một số tên lửa của Iran có thể xuyên qua hệ thống Vòm sắt của Israel: "Tên lửa được phóng như một viên đạn từ nòng súng. Khi đạt tốc độ cao nhất, chúng trở thành đạn đạo, bay lên độ cao lớn rồi lao xuống sâu và nhanh. Tên lửa đi theo một dạng cung parabol. Tên lửa bay lên nhanh và lao xuống cũng nhanh như vậy".
Theo Hoài Linh (VietNamNet)