Mỹ hiện vẫn đang là nước dẫn đầu về ngân sách cũng như quy mô quân đội, trong khi đó Trung Quốc đang nỗ lực để bắt kịp các ông lớn trên “sân chơi” quốc phòng.
Máy bay chiến đấu F-15 Eagle của không quân Mỹ cất cánh từ Căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam - Ảnh: CNN |
Báo International Business Times đã đặt 3 quốc gia nổi tiếng mạnh về quốc phòng lên bàn cân, sau khi cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đều tuyên bố kế hoạch tăng ngân sách cho lĩnh vực này.
Mỹ hiện đang là quốc gia chi mạnh tay nhất cho quốc phòng, khi mà Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố kế hoạch tăng 54 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng hiện vào khoảng 600 tỉ USD của nước này.
Theo thống kê, số tiền Mỹ chi cho quốc phòng bằng 40% tổng ngân sách quốc phòng của toàn thế giới.
Hiện tại, quân đội Mỹ là lực lượng mạnh nhất thế giới, với hơn 1,4 triệu binh sĩ, 13.000 máy bay chiến đấu và gần 9.000 xe tăng.
Trong nỗ lực củng cố vị thế của mình, hôm 5-3, Trung Quốc tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lên 7% so với năm ngoái.
Đây được xem là mức tăng thấp nhất của Trung Quốc trong 7 năm qua, tuy nhiên, vẫn đủ để bảo đảm rằng Bắc Kinh có ngân sách cho quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, với khoảng 145 tỉ USD.
“Việc phát triển và xây dựng quân sự Trung Quốc đang được tiếp tục. Đây là yêu cầu đối với việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của chúng tôi", bà Phó Oánh (Fu Ying), người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc, tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 4-3.
Trong khi đó, Nga hiện đang bị Trung Quốc “vượt mặt” về chi tiêu quốc phòng, chỉ dự kiến tăng ngân sách cho quốc phòng lên 41,4 tỉ USD, tương đương 5% GDP, đến năm 2020.
Tuy nhiên, xét về quy mô, hiện Nga là nước có lực lượng quân đội mạnh thứ 2 thế giới sau Mỹ, với 1 triệu binh sĩ, 3.500 máy bay chiến đấu và 15.000 xe tăng.
Đầu năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố Matxcơva sẽ có kế hoạch tăng đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa đến năm 2025.
Quy mô quân đội của Trung Quốc xếp thứ 3 với khoảng 2,3 triệu binh sĩ và 3.000 máy bay chiến đấu.
Ấn Độ xếp thứ tư về quy mô với 2 triệu binh sĩ và 2.000 máy bay quân sự.
Trong quân sự, số lượng binh sĩ nhiều chưa phản ánh được hết sức mạnh quân sự mà phải là độ tinh nhuệ của bình sĩ, kinh nghiệm chiến đấu, sức mạnh của khí tài...
Theo Ngọc Đông (Tuổi Trẻ)