Tuy vậy, những nỗ lực kể trên được đánh giá khó lòng lấp đầy những lỗ hổng khổng lồ trong hệ thống y tế công cộng của Ấn Độ, để có thể chặn đứng cuộc khủng hoảng chết chóc hiện nay.
Tình hình Covid-19 tại Ấn Độ được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu, bao gồm việc những ca nhiễm mới xuất hiện tại các khu vực khác, hay việc các nước hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ Ấn Độ.
Hồi đầu năm 2021, chính phủ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hành động như thể cuộc chiến chống Covid-19 đã kết thúc thắng lợi. Các cuộc vận động tranh cử khổng lồ được tổ chức, trong khi hàng ngàn người được phép tụ tập ở các lễ hội.
Giờ đây, thủ tướng Modi đã có những từ ngữ lo âu hơn. Trong bài phát biểu trên truyền thanh hôm 25/04, ông nói Ấn Độ "rung chuyển bởi một cơn bão".
Bệnh nhân tại thủ đô New Delhi và các thành phố chết dần khi phải xếp hàng chờ đợi giường trống tại bệnh viện, trong khi lượng oxy cho họ không còn. Người dân cầu cứu trên mạng xã hội, tìm kiếm những thông tin về các đơn vị điều trị tích cực hay thuốc điều trị thử nghiệm. Các giàn hỏa thiêu mọc lên ở bãi đỗ xe, công viên.
Trước tình hình đó, thủ tướng Modi tìm kiếm sự giúp đỡ của thế giới để đối phó với làn sóng Covid-19.
Hôm 26/04, Ấn Độ lần thứ năm liên tiếp lập kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận trong một ngày, báo cáo tới gần 353.000 bệnh nhân mới. Bên cạnh đó, 2.812 trường hợp tử vong cũng được liệt kê, nâng tổng số người chết vì căn bệnh lên 195.000, nhưng các chuyên gia cho rằng con số này chưa phản ánh đầy đủ thực tế.
Tháng này, Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Serum Ấn Độ, đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, trực tiếp đề nghị tổng thống Mỹ Joe Biden trên Twitter "dỡ bỏ lệnh cấm" đối với xuất khẩu nguyên liệu thô dùng để chế tạo vaccine.
Tim Manning, điều phối viên Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 26/04 nói Đạo luật Sản xuất Quốc phòng Mỹ mà ông Biden kích hoạt hồi tháng 03 không bao gồm lệnh cấm.
"Các công ty vẫn được phép xuất khẩu. Trên thực tế, các công ty cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi sản xuất vaccine đã xuất khẩu sản phẩm ra toàn thế giới," ông Manning cho hay.
"Tuy nhiên nhu cầu sản xuất vaccine trên toàn thế giới hiện nay đang vượt quá khả năng cung cấp," ông nói thêm.
Đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng, Nhà Trắng hôm 25/04 cho biết đã dỡ bỏ rào cản đối với việc xuất khẩu nguyên liệu thô chế tạo vaccine, đồng thời sẽ hỗ trợ thuốc điều trị, kit xét nghiệm, máy thở và trang phục bảo hộ cá nhân cho Ấn Độ.
"Cũng như Ấn Độ từng hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi quá tải thời kỳ đầu đại dịch, chúng tôi quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ trong thời gian nguy cấp hiện nay," tổng thống Biden viết trên Twitter.
Chính quyền tổng thống Biden hôm 26/04 công bố sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca từ kho dự trữ với các nước khác trên thế giới, miễn là lượng sản phẩm này vượt qua bài kiểm tra an toàn của Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy, người công bố kế hoạch trên Twitter, không nêu rõ những nước nào được nhận vaccine.
Các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã vận động để tổng thống Biden quyết định ủng hộ số vaccine AstraZeneca cho Ấn Độ, do người dân Mỹ đã có đủ vaccine với ba sản phẩm được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Việc tổng thống Biden hỗ trợ Ấn Độ cũng được đánh giá sẽ tạo ảnh hưởng tích cực cho mối quan hệ của ông với thủ tướng Modi, trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ cũng như thị trường to lớn ở nước này.
Viện Serum Ấn Độ không bình luận gì về tuyên bố của Nhà Trắng.
Khi chính quyền của thủ tướng Modi cho rằng dịch bệnh đã qua đi, Ấn Độ đã triển khai chính sách ngoại giao vaccine, cam kết bán hoặc viện trợ 66,4 triệu liều.
Tuy vậy vào cuối tháng 03, khi số ca nhiễm tăng nhanh, thủ tướng Modi đã yêu cầu dừng xuất khẩu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến dịch tiêm chủng của các nước vốn dựa vào nguồn vaccine từ Ấn Độ.
Ấn Độ hiện đang giữ lại khoảng 2,4 triệu liều vaccine mỗi ngày được sản xuất bởi Viện Serum. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có Mỹ ngỏ lời thay thế.
Dù vậy, tình trạng thiếu hụt vaccine đang gây nhiều khó khăn cho các nỗ lực bảo vệ người dân. Mới chỉ khoảng 2% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Một số nước khác đã cam kết hỗ trợ Ấn Độ. Anh hứa hẹn hỗ trợ 495 máy tạo oxy và 140 máy thở. Pháp và Australia đang xem xét viện trợ các bình oxy. Ngay cả Pakistan, vốn được coi là "kình địch" của Ấn Độ cũng hứa hẹn hỗ trợ máy chụp X-quang, máy thở và các khoản viện trợ khác, theo Bộ trưởng Ngoại giao nước này Shah Mahmood Qureshi.
Hai doanh nhân gốc Ấn, giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella và giám đốc Google Sundar Pichai đều tuyên bố công ty của họ sẽ hỗ trợ tài chính cho Ấn Độ. Ông Pichai khẳng định sẽ quyên góp 18 triệu USD cho các nhóm cứu trợ đang hoạt động tại Ấn Độ.
Các quan chức Ấn Độ cũng đã có đề nghị trực tiếp với các nước khác. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuần trước viết trên Twitter về cuộc gặp với phó chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager. Hôm 25/04, EU thông báo sẽ hỗ trợ oxy và thuốc cho Ấn Độ.
Tuy vậy, Ấn Độ vẫn chậm chân hơn so với các nước khác về các biện pháp chuẩn bị, cũng như khả năng tăng cường các tài nguyên quan trọng như oxy hay thuốc men.
"Đầu tư sớm và chủ động là hết sức cần thiết," phó giáo sư Krishna Udayakumar nhận định.
Không như Mỹ hay Anh, vốn đã ký thỏa thuận mua hàng triệu liều vaccine AstraZeneca từ tháng 05/2020, Ấn Độ mãi tới tháng 01 vừa qua mới mua 15,5 triệu liều vaccine được sản xuất bởi Viện Serum và công ty dược Bharat Biotech, quá ít so với dân số gần 1,4 tỷ người.
Ấn Độ từ tháng 09/2020 cũng cho biết sẽ dựa vào vaccine Sputnik-V của Nga, sau khi ký hợp đồng mua 100 triệu liều. Tuy vậy, sớm nhất cũng phải tới tháng 05 vaccine Sputnik-V mới có mặt ở Ấn Độ.
Nếu Ấn Độ có thể tăng cường khả năng sản xuất vaccine và cấp phép khẩn cấp cho các đơn vị sản xuất vaccine khác, nước này đã có thể giảm thiểu những hậu quả nặng nề nhất của làn sóng Covid-19 thứ hai, theo các chuyên gia.
"Ấn Độ có khả năng làm vậy, nếu họ tập trung vào điều đó," tiến sĩ Laxminarayan nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)