"Chúng tôi từng nói nhiều lần trong căn phòng này, rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc", hãng tin NPR dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói tuần trước ở Lầu Năm Góc.
Tướng Mattis nhấn mạnh, quân Mỹ vẫn đang lần theo dấu vết các tên lửa nhỏ của IS. Ở Iraq, Mỹ vẫn đang hợp tác chặt chẽ với các lực lượng an ninh nước chủ nhà, với hy vọng họ có thể kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình.
"Có thể hàng chục gã (IS) rồi sẽ tìm đến nhau. Chúng sẽ tập hợp và sống trong cùng một căn nhà. Chúng bắt đầu chữa lành vết thương rồi tự hỏi mình 'có thể làm được gì?'. Điều chúng ta muốn là đẩy chúng tới điểm mà các giới chức, cảnh sát địa phương hoàn toàn có thể tự xử được", ông Mattis nói.
Tình hình ở Syria được cho là phức tạp hơn so với Iraq. Mỹ và các đối tác đã phá hủy phần lớn các mục tiêu IS ở vùng phía đông đất nước, các khu vực mạn đông Sông Euphrates. Tuy nhiên, theo tướng Mattis, một số nhóm IS đang chạy trốn về phía tây.
Bộ trưởng Mattis cho rằng, quân đội Mỹ sẽ ở lại phía đông Syria để các nhà ngoại giao, nhân viên viện trợ và nhà thầu có thể tới đó và giúp bình ổn khu vực. Nhưng chiến tranh ở những nơi khác của Syria vẫn còn là một cái kết mở.
Vậy có bao nhiêu chiến binh IS ở đất nước này?
Khi IS ở đỉnh điểm sức mạnh cách đây 3 năm, CIA nói tổ chức này có khoảng 31.000 thành viên. Giờ đây, quân đội Mỹ cho rằng con số này giảm xuống còn chưa đầy 1.000, trú ẩn ở những nơi mà liên quân do Mỹ đứng đầu đang chiến đấu tại Iraq và Syria.
"Các chiến binh IS, ở một số nơi, Mosul [Iraq], Raqqa [Syria]… ra sức chiến đấu. Và hàng nghìn tay súng đã chết trong những cuộc chiến đó", Daniel Byman thuộc Đại học Georgetown và Viện Brookings nói. Chuyên gia này nhận định thêm: "Các chiến binh có thể cố chạy thoát hoặc trà trộn vào địa phương" nếu họ là người Iraq hoặc Syria, và muốn từ bỏ chiến trận. Nhưng cũng có nhiều chiến binh nước ngoài trà trộn khá dễ dàng, với một số có thể ở lại để sẵn sàng chiến đấu tiếp, và một số muốn hồi hương.
Đến nay, IS không còn một nơi trú ẩn nào an toàn. Các chiến binh còn sống sót đang trốn chạy, và không thể đào tẩu theo số lượng lớn.
Nhưng có một tiền lệ quan trọng cho thấy IS có thể hồi sinh. Cách đây một thập niên, mạng lưới al-Qaeda ở Iraq đã bị Mỹ và đồng minh đánh cho tan tác nhưng sau đó tái xuất thành IS, mạnh hơn bao giờ hết khi điều kiện thuận lợi. Đến mùa hè năm 2014, IS kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Iraq và Syria, cai trị hàng triệu người trong vương quốc tự xưng của chúng.
Theo Thanh Hảo (VnExpress.net)