Để có được một bức ảnh đánh dấu lịch sử, đem lại tiếng vang cho sự nghiệp và sự nổi tiếng cho bản thân, nhiếp ảnh gia đôi khi phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ trong cuộc đời mình. Thậm chí, có những người sẵn sàng chấp nhận ở trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" để bắt được khoảnh khắc đáng nhớ nhưng cũng có những người về sau phải sống trong ân hận và dằn vặt cả đời.
Năm 1980, Mike Wells, một phóng viên ảnh tài liệu đã chụp lại bức ảnh gây xúc động mạnh mẽ về hình ảnh bàn tay của một cậu bé Nigeria nhỏ bé đang nắm lấy tay của một nhà truyền giáo người Mỹ. Bức ảnh "vô tình" đạt giải thưởng trong cuộc thi Ảnh báo chí thế giới năm 1980 đã khiến cho toàn thế giới bị ám ảnh và gây ra một sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận. Tác phẩm này đã khiến tên tuổi của Mike Wells vươn ra ngoài thế giới nhưng cũng khiến ông dành cả phần đời còn lại của mình trong sự xấu hổ và dằn vặt.
Bức ảnh ghi lại một bàn tay nhỏ bé, gầy gò, thậm chí nếu nhìn qua thì có vẻ như bàn tay đó không phải là bàn tay của một con người. Nhiều người cho rằng nó giống như bàn tay của một người ngoài hành tinh. Và khi nhìn cho thật kĩ, sẽ thật đau xót khi thấy đó là bàn tay của một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nặng. Trái ngược với đó là một bàn tay của người da trắng, khỏe mạnh, vạm vỡ. Bức ảnh cho thấy sự tương phản rõ nét và cũng phản ánh chân thực những gì đang diễn ra.
Tình trạng thiếu lương thực ở Uganda bắt đầu từ tháng 7/1978, đó là kết quả sau nhiều năm liền hạn hán, mất mùa và sâu bệnh. Uganda không phải là một khu vực có ý nghĩa kinh tế hay chính trị to lớn, vì thế nó nằm ngoài sự quan tâm của chính phủ. Bên cạnh đó, chiến tranh đã khiến cho nền kinh tế của đất nước này sụp đổ. Lương thực và tiền bạc bắt đầu cạn kiệt từ đầu năm 1980. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn vào tháng 5 và nạn đói lên đến đỉnh điểm vào tháng 7 và 8 cùng năm. Người dân nơi đây bắt đầu kêu gọi Chương trình Lương thực Thế giới ở Rome để hỗ trợ khẩn cấp, do đó các Giáo hội đã đến tận nơi để cung cấp và hỗ trợ lương thực thực phẩm. Theo thống kê, vào năm 1980, có hơn 21% dân số nước này chết vì đói và 60% trẻ sơ sinh tử vong. Đây cũng được coi là một nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử thế giới.
Sau khi chụp xong bức ảnh, Mike gửi về cho nhà xuất bản. Tuy nhiên, bức ảnh của ông đã không được lên tạp chí mà thay vào đó lại được gửi đến một cuộc thi. Bức ảnh sau đó đã đoạt giải thưởng lớn, khiến giới chuyên môn đánh giá cao và những người quan tâm cảm thấy xúc động về thông điệp được truyền tải trong bức ảnh.
Tuy vậy, giải thưởng không đem lại niềm vui cho ông mà trái lại đã làm tâm trạng ông trở nên tồi tệ hơn. Điều này đã khiến cuộc đời của Mike Wells thay đổi, theo hướng tiêu cực. Ông thừa nhận rằng ông luôn cảm thấy dằn vặt sâu sắc sau khi chụp bức ảnh này. Đồng thời, ông vô cùng xấu hổ khi giành được chiến thắng giải Ảnh báo chí bởi ông chưa từng bao giờ có ý định tham gia cuộc thi, hơn nữa lại là từ một bức ảnh em bé đang chết đói.
Bên cạnh những lời tán dương về thông điệp của bức ảnh, ông cũng nhận được rất nhiều những lời chỉ trích rằng tại sao ông lại nhẫn tâm chụp lại bức ảnh này rồi bỏ đi. Đã có một thời gian, phóng viên ảnh này không dám cầm máy ảnh để chụp lại những tấm hình vì sự dằn vặt không nguôi ở trong lòng.
Theo Negroni (Helino)