Lực lượng quân đội Libăng hôm nay đã dùng đến vòi xịt nước và hơi cay để giải tán đám đông người dân tụ tập phản đối gần Đại sứ quán Mỹ gần trung tâm thủ đô Beirut của nước này.
Người Libăng, đa phần theo đạo Hồi, đã kịch liệt lên án quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel - một nhà nước Do Thái.
Trước đó Thủ tướng Libăng Saad al-Hariri và Tổng thống Michel Aoun đều lên án quyết định của ông Trump, cho rằng động thái của Mỹ gây nguy hiểm cho khu vực.
Jerusalem không chỉ là địa điểm tranh chấp của Palestine và Israel, mà còn là thánh địa của ba tôn giáo lớn gồm đạo Hồi, đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa.
Một quyết định như thế về Jerusalem đã khiến ông Trump trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng Hồi giáo, thế giới Ả Rập nói riêng, trong khi các lãnh đạo cực đoan của những tổ chức như Taliban, Hamas và người Shia (Shiite) cũng tuyên bố "đổ máu" vì điều này.
Báo New York Times cho biết hàng ngàn người biểu tình - gồm cả người Libăng lẫn Palestine, đã hô vang những khẩu hiệu phản đối quyết định của ông Trump, khẳng định "Jerusalem là Ả Rập! Palestine là Ả Rập!".
Các nhóm biểu tình cố gắng phá vỡ hàng rào vào Đại sứ quán Mỹ trên con đường chính từ Dbayeh tới Awkar. Một số người đã ném đá và đốt lửa trên đường.
Tại Indonesia, quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới, hôm 10-12 cũng chứng kiến khoảng 10.000 người tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Jakarta. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước đó cũng lên án quyết định của Mỹ, cho rằng đây là hành động vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc về tình trạng của Jerusalem.
Làn sóng người đạo Hồi chỉ trích ông Trump đang có biểu hiện lan rộng và nguy cơ bạo lực cao dần.
Trong ngày 9-12, người biểu tình ở thành phố Kuwait (Kuwait) cũng tập trung ở Quảng trường Irada bên ngoài tòa nhà quốc hội, mang theo biểu ngữ như "Jerusalem là một thủ đô vĩnh viễn của Palestine" và "Khủng bố ở đây chính là các doanh nghiệp Mỹ", theo Times of Israel.
Malaysia, một quốc gia Hồi giáo khác tại Đông Nam Á, cũng biểu tình từ ngày 9-12. Thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein chỉ trích Mỹ đã "tát vào mặt cả thế giới Hồi giáo", đồng thời khẳng định sẵn sàng động binh, "thể hiện vai trò" khi được yêu cầu.
Theo Nhật Đăng (Tuổi Trẻ)