Vladimir Barsegov ngồi trên ngai vàng, dưới chân ông là hai bức tượng thiên thần trắng muốt. Từ chiếc áo sơmi đóng thùng đến cặp chân mày dưới cái đầu hói, bức tượng toàn thân của Barsegov tạo cảm tưởng ông là một "người chú vui tính" của mọi gia đình. Nhưng rõ ràng ông không phải người bình thường. Hài cốt của Barsegov được chôn cất ở nghĩa trang Severnoye Kladbishche, thành phố Rostov-on-Don, miền Nam nước Nga. Tranh điêu khắc, tượng bán thân, xe hơi cẩm thạch và nhiều bia mộ lộng lẫy tại đây được cho là của những "ông trùm mafia" tiếng tăm một thời. Barsegov không phải là ngoại lệ, người được cho là cầm đầu băng đảng tội phạm hoạt động tại thành phố Sochi nằm cạnh Biển Đen. Ông Igor Osikov, phó giám đốc nghĩa trang thành phố Rostov-on-Don, từ chối xác nhận việc Barsegov có phải là ông trùm khét tiếng biệt danh Kirpich hay không. Tuy nhiên, ông thừa nhận Barsegov đã "làm nhiều hơn một công việc và đã giàu lên" trong thời kỳ Liên Xô tan rã. "Sau cùng thì những hoạt động kinh doanh này cũng giúp nước Nga phát triển, là nền móng để chúng ta tổ chức kỳ World Cup thành công như vừa rồi", Osikov nói. Nghĩa trang Severnoye Kladbishche có diện tích bằng khoảng 400 sân bóng đá, với tổng chiều dài đường bộ nối giữa những ngôi mộ lên đến 80 km. Đây là nghĩa trang lớn thứ 2 tại châu Âu. "Nơi này giống như một thực thể sống, một thành phố thu nhỏ. Chúng tôi có cả hệ thống xe buýt, xe taxi riêng nhằm phục vụ hàng nghìn công nhân đang làm việc tại đây. Không phải nghĩa trang nào cũng phức tạp và rộng lớn như Severnoye Kladbishche", ông Osikov nói. Ngoài Barsegov, một số ngôi mộ khác tại Severnoye Kladbishche cũng được cho là thuộc về những cựu trùm băng đảng nổi tiếng, ví dụ như bức tượng vô danh trong ảnh. Theo Channel NewsAsia, xã hội Nga trong thời kỳ hậu Liên Xô những năm 1990 vô cùng hỗn loạn khi các băng nhóm có liên hệ với chính phủ tích lũy tài sản từ quá trình tư nhân hóa. "Khi được xây dựng vào năm 1972, nghĩa trang rộng vài chục nghìn km2 này hầu hết là đất trống, nhưng giờ thì nó đã đầy bia mộ", ông Osikov cho biết. Ông giải thích rằng mỗi gia đình thời Xô Viết được chính phủ cấp 7,2 m2 đất để làm nơi chôn cất, nhiều hơn so với các nghĩa trang phương Tây. Huyền thoại đô vật người Nga Valentin Nikolayev, nhà vô địch thế giới năm 1955 và là vận động viên giành huy chương vàng Olympic năm 1956, cũng được chôn cất tại nghĩa trang thành phố phía nam nước Nga. "Người Nga không có truyền thống khắc hình Đức mẹ Maria hoặc Chúa Jesus lên bia mộ như nhiều quốc gia phương Tây, họ thường để ảnh của chính mình", ông Osikov nói. Phần lớn bia mộ có giá không hề rẻ. Osikov cho biết tấm bia đắt nhất tại nghĩa trang Severnoye Kladbishche thuộc về hai anh em nhà Stepanov (trong ảnh), với phần tượng nửa người trị giá đến 165.000 USD. Khi được hỏi liệu họ có phải mafia, ông Osikov lập tức bác bỏ: "Dù là doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư, ca sĩ hay tội phạm, họ đều có quyền được chôn cất tử tế. Tại đây, họ có quyền yên nghỉ". Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)