“Mafia ở Nga ăn vận những bộ vest lịch lãm, sang trọng nên khó phân biệt với người bình thường", Marj Galeotti, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Nga, nhận định.
Ông nhấn mạnh rằng rất khó để phân biệt được thành viên của các băng đảng quyền lực nhất ở Nga với công dân lương thiện.
World Cup của những tội ác
ABC News cho rằng đa số sẽ nghĩ tới hình ảnh những người đàn ông vóc người to lớn, nhiều hình xăm và luôn sẵn sàng giơ nắm đấm, khi mô tả một tay mafia Nga. Mặc dù vẫn còn nhiều người giữ hình tượng này, song trên thực tế, những tên mafia Nga hiện đã rất khác biệt, biết chăm chút cho vẻ bề ngoài.
Khác với các băng đảng mafia ở Italy hay các yakuza ở Nhật Bản, mafia ở Nga có sức ảnh hưởng ngày càng lớn và mở rộng hoạt động trên khắp thế giới.
Cũng theo ông Galeotti, các băng đảng đang đổi mới cách thức hoạt động, nhằm tô đậm tên tuổi của chúng. "Nếu phải đánh giá, xếp hạng các mafia toàn cầu thì mafia Italy vẫn là thế lực giàu có và quyền lực nhất. Thế nhưng, mafia Nga đang hoạt động khắp thế giới", ông chia sẻ.
Trong khi điện Kremlin kiên quyết phủ nhận mọi liên quan đến tội phạm có tổ chức, chuyên gia Galeotti cho rằng các mafia gia tăng sự ảnh hưởng của chúng nhờ mối quan hệ với giới chức nước này.
Ông cho rằng giới chức trách Nga cung cấp cho thế giới ngầm một dạng "hợp đồng xã hội", tạo cơ hội cho các băng đảng Nga lách luật.
"Nhà nước không kiểm soát tội phạm có tổ chức, song nhất cử nhất động đều nằm trong tai mắt của chính quyền", ông nói.
"Nếu bạn gây tội ác, cảnh sát sẽ quyết tâm truy bắt bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ động thái gì gây cản trở cho nước Nga, thì chính quyền điện Kremlin sẽ coi bạn như kẻ thù quốc gia", ông Galeotti nhắc lại lời phát biểu của Tổng thống Putin.
Do vậy, các băng đảng hiểu rằng họ phải hoạt động cẩn trọng, tuân thủ mọi "luật chơi". Ông Galeotti nhận định mối quan hệ giữa nhà nước và các băng đảng dựa trên nguyên tắc cây gậy và củ cà rốt.
Ông nhấn mạnh sự kiện World Cup là "tiền thưởng" cho các băng đảng mafia. Bằng việc tuân thủ các quy định, bọn chúng sẽ nhận được nhiều hợp đồng xây dựng, giao dịch bất động sản, cải tạo sân vận động, khách sạn...
Mặt khác, Galeotti lại cho rằng điều này có nguy cơ cao dẫn đến sự can thiệp quá sâu của chính quyền với các tội phạm ngầm trong mùa World Cup.
"Một trong những thách thức với chính quyền Nga ngoài côn đồ và khủng bố là các băng đảng mafia sẽ làm loạn khi Nga đón làn sóng du lịch vào dịp World Cup. Thế nên, một thông điệp rõ ràng được đưa ra là: 'Dừng lại ngay', bởi nước Nga muốn có một sự kiện thế giới diễn ra tốt đẹp và sẽ phạt nặng những hành động phá hoại nhằm vào World Cup", ông Galeotti nói.
Những tội phạm "vươn vòi" ra thế giới
Chia sẻ với ABC News, Galeotti cho rằng các băng đảng mafia hiện diện khá lâu trong lịch sử tội phạm nước Nga và đang vươn cánh tay nối dài tới thế giới ngầm toàn cầu.
Vị thế của chúng được củng cố nhờ trở lại của các "Afgantsy", cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Xô viết ở Afghanistan vào những năm 1980. Họ là lính bắn tỉa, thợ chế tạo bom, lính đặc nhiệm tham gia vào tội phạm có tổ chức.
Ngày nay, các băng nhóm thực hiện nhiều phi vụ buôn bán ma túy, xâm nhập máy tính, giết thuê, buôn bán người hoặc rửa tiền cho các băng đảng khác trên thế giới.
Thay vì nỗ lực tiếp quản địa bàn nhưng không thành công vào những năm 1990, các băng đảng đã tiếp cận thị trường thế giới thời gian gần đây.
"Bọn chúng tạo sức ảnh hưởng nhờ đứng ra làm trung gian. Chúng tập trung vào các băng đảng địa phương, không quan trọng là Úc, Canada hay Nam Phi. Phương châm là “Bạn cần gì? Dù là gì, chúng tôi đều có thứ bạn cần", Galeotti nhấn mạnh và cho rằng đó chính là cách tội phạm Nga quốc tế hóa hoạt động các băng đảng.
“Người ta hiếm khi bắt gặp mafia Nga trên đường phố. Nhưng các băng đảng mafia trên khắp thế giới lại đều biết đến mafia Nga”, ông Galeotti giải thích.
Ông cho rằng đó là mô hình hoàn toàn mới. Thông điệp của bọn chúng chỉ đơn giản rằng: "Chúng tôi có thể làm mọi thứ, nếu muốn đàm phán, chúng tôi luôn sẵn sàng".
Theo Chi Lê (Tri Thức Trực Tuyến)