Câu nói "Không ai giàu 3 họ" khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa. Nói cách khác, dù giàu có đến mấy thì tài sản của các gia đình hiếm khi còn dồi dào đến thế hệ cháu, chắt. Thuế, chi tiêu, sự pha loãng tài sản qua các thế hệ và tác động không đáng có của cái danh “gia tộc giàu có” khiến nhiều dòng họ hao tốn.
Dù vậy, nhà Rockefeller thách thức tất cả các yếu tố trên. Theo tạp chí Forbes, gia tộc này đang bước vào thế hệ thứ bảy và có đến 170 người thừa kế, song vẫn có gia sản đáng ngưỡng mộ. Hơn 100 năm kể từ khi ông John D. Rockefeller trở thành tỉ phú Mỹ đầu tiên sau khi thành lập hãng Standard Oil Company cuối thế kỷ thứ 19, gia tộc này vẫn sở hữu số tiền lên đến 11 tỷ USD.
Thâm chí điểm đáng khâm phục hơn là gia đình này nhìn chung vẫn đoàn kết, không có các vụ bê bối lùm xùm trên báo, kiện tụng, bắt nạt kiểu “huynh đệ tương tàn” vì tài sản. Hiện có hơn 250 thành viên trong gia đình là hậu duệ của ông John D. Rockefeller và bà Laura Spelman Rockefeller.
Theo CNBC , trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, David Rockefeller Jr.- Chủ tịch của Tập đoàn Rockefeller & Co. - tiết lộ, gia đình ông đã phát triển một hệ thống các giá trị truyền thống và thể chế riêng. Điều này giúp các thành viên gắn bó với nhau và giữ gìn của cải. Bao gồm 4 yếu tố:
Thứ nhất, đó là họp mặt gia đình thường xuyên
“Cả nhà chúng tôi gặp nhau hai lần mỗi năm, thường là có hơn 100 người trong một phòng ăn trưa Giáng sinh, ví dụ thế. Chúng tôi có diễn đàn gia đình. Khi một thành viên đủ 21 tuổi thì sẽ được mời đến các buổi họp mặt nói trên”, ông David nói.
Tại buổi họp mặt, các thành viên trong gia đình được tự do trao đổi những vấn đề liên quan đến hướng phát triển kinh doanh, các ý tưởng mới trong dự án, và bất kỳ tin tức liên quan đến việc làm ăn hoặc các cột mốc quan trọng. Điều quan trọng nhất trong quá trình này thường không phải là thu được thông tin có giá trị, mà là làm cho mọi người cảm thấy rằng họ cũng là một phần của gia đình.
Thứ hai, từ chối kết giao với 2 loại người
Ông Rockefeller từng viết một bức thư cho con trai mình. Trong thư, Rockefeller đã nói rõ với con trai của mình và cảnh báo nó không được kết giao với hai loại người - “Loại thứ nhất là những người hoàn toàn buông xuôi và bằng lòng với hiện tại; loại thứ hai là những người không chịu đối đầu đến cùng với thử thách.”
Ông Rockefeller gọi hai kiểu người này là “khối u tư duy” rất dễ lây lan, và một khi tiếp xúc với hai kiểu người này, bản thân sẽ trở nên tiêu cực và bi quan.
“Người nói con không thể làm được, là người cả đời không thể thành công.” Những người thật sự mạnh mẽ, những người thật sự xứng đáng để chúng ta kết bạn, là những người khuyên chúng ta hãy bước ra khỏi vùng an toàn, tự khiêu chiến với bản thân và đưa ra những ý kiến tích cực.
Thứ ba, không duy trì một doanh nghiệp gia đình
Nhiều vụ tranh chấp trong những gia đình giàu có là bắt nguồn từ việc kinh doanh, chẳng hạn như ai sẽ quản lý nó, nên quản lý nó thế nào và ai sẽ được hưởng lợi.
Gia đình Rockefeller đã không có một doanh nghiệp gia đình kể từ năm 1911, khi Standard Oil bị chính phủ Mỹ chia nhỏ thành các công ty đại chúng vì luật chống độc quyền mới ở thời đó.
Với biến cố đó, tài sản Rockefeller đã được thay đổi từ một công ty khổng lồ duy nhất thành nhiều công ty được niêm yết công khai.
Kết hợp với một loạt quỹ ủy thác hiệu quả, các cổ phiếu và cổ phần tài chính đó được dễ dàng chuyển giao cho các thế hệ tương lai và ít bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến tài chính hơn.
Thứ tư, sống khiêm nhường và làm từ thiện
Sự giàu có khủng khiếp của gia tộc Rockefeller không phải là điều duy nhất khiến họ được cả thế giới nhớ tới, mà quan trọng hơn là cách sống khiêm nhường, sự nghiệp làm từ thiện đáng ngưỡng mộ cũng như cách họ dạy con để duy trì sự giàu có này qua nhiều thế hệ.
Chất keo mạnh nhất kết nối cả gia đình Rockefeller lại với nhau chính là giá trị gia đình, đặc biệt là từ thiện. Họ có nhiều quỹ gia tộc, trong đó có Rockefeller Foundation, Rockefeller Brothers Fund và David Rockefeller Fund với tổng tài sản lên hơn 5 tỉ USD. Các thành viên trong gia đình được khuyến khích tham gia vào các quỹ này.
Bằng cách để từ thiện làm trung tâm của bản sắc gia tộc, Rockefeller duy trì giá trị cốt lõi mà ông John Rockefeller Jr. đặt ra: “Bất cứ quyền nào cũng là một trách nhiệm, bất cứ cơ hội nào cũng là một nghĩa vụ, và bất cứ sự sở hữu nào cũng là một nhiệm vụ”.
Biên Thùy (SHTT)