Trong vòng 3 ngày, Goldi Patel (25 tuổi) phải chạy đôn chạy đáo giữa các bệnh viện tại New Delhi trong cái nắng hè oi ả, cố gắng tìm một nơi còn chỗ để cứu sống chồng cô, Sadanand Patel.
Người phụ nữ mang thai con đầu lòng ở tháng thứ 7 bị từ chối ở 4 bệnh viện. Sau cùng, cô cũng tìm được nơi đồng ý - Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel. Nhưng rốt cục, tình cảnh cũng chẳng khá hơn là mấy. Bệnh viện này thiếu thốn và kinh khủng đến mức chính người chồng ngã bệnh của cô phải cầu xin để được rời đi.
Xung quanh chỗ nằm của Sadanand là những người đang chết dần. Anh nằm đó, gần như không thể giao tiếp nổi với bác sĩ, và thuốc men được cấp cũng rất giới hạn. Với việc 80% lá phổi đã bị Covid xâm chiếm, anh ngày càng sợ chuyện sẽ xảy ra nếu tình trạng của mình trở nên xấu hẳn đi.
"Tôi thực sự rất sợ" - Sadanand thổ lộ từ trên giường bệnh hôm 1/5, một cách khó nhọc. "Nếu tình trạng của tôi trở nên nghiêm trọng, tôi không nghĩ họ có thể cứu được."
Làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Ấn Độ đã càn quét ở mức độ quá kinh khủng, khiến hệ thống y tế tại đây gần như sụp đổ. Giường bệnh, oxy và nhân lực, tất cả đều thiếu thốn. Nhiều bệnh nhân nằm hấp hối trong phòng chờ hoặc bên ngoài cửa bệnh viện, chờ đợi bác sĩ trong vô vọng.
Một số bệnh nhân "may mắn" kiếm được chỗ trong các bệnh viện quá tải lại phải đối mặt với một nỗi kinh hoàng khác: thiếu thốn chăm sóc và trang bị y tế, trong khi những người xung quanh chết dần.
Cuộc đua tàn khốc với thời gian
Tháng 2/2021, chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh đóng cửa Trung tâm Chăm sóc Covid Sardar Patel, tin rằng đất nước đã giải quyết thành công đại dịch. Nhưng niềm tin ấy đã không còn đúng nữa, khi trung tâm với 500 giường bệnh này phải mở lại vào ngày 26/4 giữa một mớ hỗn loạn kinh hoàng.
Truyền thông địa phương liên tục đưa tin, bất chấp hàng dài bệnh nhân xếp hàng tại các bệnh viện, chỉ một số ít được tiếp nhận. Sadanand được nhập viện chỉ 1 ngày sau khi bệnh viện này mở cửa. Nhưng khi Goldi đến thăm vài ngày sau đó, cơ sở này đã kín đặc người.
Một số bệnh nhân phải nằm trên những chiếc giường làm từ bìa các-tông. Thuốc được phát cũng rất giới hạn, và theo Sadanand thì anh chỉ tương tác được với bác sĩ khoảng 1 - 2 lần trong suốt 3 ngày nằm viện từ hôm 27/4. Anh chứng kiến 2 người đàn ông giường bên gào thét trong đau đớn để xin thuốc, để rồi chết sau đó vài giờ vì oxy cạn kiệt.
Hôm 1/5 - tức 5 ngày kể từ khi nhập viện, có ít nhất 5 người xung quanh Sadanand đã tử vong. Có thi thể nằm ở đó hàng giờ đồng hồ, trước khi được nhân viên đến đưa đi.
Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ hồi tháng 4 có khẳng định rằng họ đã nhanh chóng mở rộng thêm các cơ sở chữa bệnh với 2000 giường cùng nguồn cung oxy ổn định, nhằm đối phó với sự quá tải của hệ thống y tế. 40 bác sĩ cùng 120 chuyên gia được điều động thêm đến cơ sở này. Nhưng những gì Sadanand chứng kiến thì không giống như vậy.
Sadanand kể lại, các bác sĩ hiếm khi kiểm tra bệnh nhân, với tần suất thất thường. Anh sợ rằng đến lúc cần giúp đỡ, anh sẽ ở tình trạng quá yếu để gọi họ. Một bệnh nhân nằm cạnh đó thậm chí còn khuyên rằng anh nên rời khỏi đây ngay lập tức khi tình trạng bệnh đỡ hơn đôi chút.
Và đó không phải là trải nghiệm của cá nhân Sadanand. Chia sẻ với CNN, Sarita Saxena cho biết anh rể cô cũng phải vào cơ sở này sau bị bị 7 bệnh viện khác từ chối. Nhưng theo cô chứng kiến, dường như không có bác sĩ nào chăm sóc bệnh nhân cả, chỉ có người nhà và bạn bè thân thiết mà thôi. Những người này cũng có nguy cơ lây nhiễm vì trong trung tâm chẳng có bất kỳ biện pháp nào để ngăn chuyện đó xảy ra cả.
Một số người lo lắng đến mức họ tìm cách để người thân xuất viện. Như Sadanand, bản thân anh cũng quá lo sợ, liên tục hỏi bác sĩ liệu có thể chuyển viện được không. Anh cầu xin vợ điều tương tự, nhưng Goldi chỉ còn biết khuyên nhủ anh cố gắng vì chẳng ở đâu còn chỗ cả.
"Anh ấy xin tôi cho anh về, anh sẵn sàng ở nhà vì ở đây quá đáng sợ. Tôi phải cố gắng khuyên anh ở lại, vì ít nhất anh còn được thở oxy."
Oxy nhỏ giọt
Chuyện xảy ra ở LLRM (Bệnh viện trường ĐH Y tế Lala Lajpat Rai) thuộc thành phố Meerut, cạnh tiểu bang Uttar Pradesh - một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt dịch lần 2 của Ấn Độ.
Bệnh nhân ở khắp mọi nơi, từ ghế đến trên bàn. Họ rên rỉ, tuyệt vọng vì không có oxy. Có khoảng 55 giường cho 100 bệnh nhân, và chỉ có 5 bác sĩ. Một số phải nằm dưới sàn nhà. Một trong số đó là bà mẹ 2 con Kavita. Cô đã nằm dưới sàn bệnh viện suốt 4 ngày, thở một cách khó nhọc. Từ lúc vào đây, cô chưa nhận được một bình oxy nào, và phải chứng kiến 20 người ra đi mãi mãi.
"Tôi bắt đầu lo lắng, sợ rằng mình không thể thở được nữa" - cô run rẩy chia sẻ.
Ở Ấn Độ lúc này, oxy là mặt hàng khan hiếm. Một số quốc gia đã gửi cứu trợ các lô bình oxy và máy chiết tách về cho Ấn Độ, trong khi các chuyến tàu đặc biệt phân phối oxy đi khắp nước cũng đã được vận hành. Hôm 29/4, Bác sĩ Harsh Vardhan - Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình nhận định đất nước sẽ có đủ oxy, nên không cần phải hoảng hoạn.
Các bệnh viện không hoảng loạn. Họ chìm trong hỗn loạn. Một số thậm chí đã đăng những thông điệp cầu cứu lên Twitter, cầu xin được cấp thêm oxy để cứu giúp người bệnh đang "khát thở" của họ.
Bên ngoài các trung tâm tái cấp bình oxy, người nhà bệnh nhân xếp hàng dài, tay mang theo những chiếc bình rỗng. Tại một bệnh viện ở New Delhi, 12 người - bao gồm cả 1 bác sĩ - đã thiệt mạng vì cơ sở này hết sạch oxy cung cấp. Đó là thông tin do Bác sĩ SCL Gupta, Giám đốc Bệnh viện Batra đưa ra.
Một số bệnh viện còn phải phát cảnh báo rằng nếu bệnh nhân muốn nhập viện, họ phải tự tìm oxy.
"Chúng tôi phải bảo bệnh nhân rằng họ cần phải tự lo oxy trong trường hợp khẩn cấp nếu nhập viện" - Poonam Goyal, bác sĩ tại Bệnh viện Panchsheel phía Bắc Delhi cho biết.
Bên ngoài LLRM, người nhà bệnh nhân đi qua đi lại không ngừng, chờ đợi tin tức mới. Bên trong, Bác sĩ Gyanendra Kumar bảo rằng cơ sở có đủ oxy, nhưng nhân lực thì thiếu trầm trọng.
Thuốc cũng không còn
Goldi Patel cảm thấy nhẹ nhõm khi chồng được thở oxy, nhưng cô thấy lo lắng về tình trạng của anh. Bởi lẽ phổi đã bị nhiễm trùng nặng, tới 80%, nhưng thuốc thì không được cấp.
Mỗi lần ngồi dậy, anh ho rất dữ dội, cơn đau ngập tràn lồng ngực. Ở đó, anh được cấp thức ăn, nước uống và oxy, nhưng thuốc thì rất nhỏ giọt. Những gì anh có chỉ là một vài viên thuốc kháng sinh, và đó là sau khi Patel tức giận dọa sẽ tự sát nếu các nhân viên không đưa. Hôm 30/4, cô trở lại bệnh viện để mang thuốc cho chồng, người duy nhất kiếm được tiền cho gia đình.
"Không chỉ oxy, chúng tôi cần thuốc. Không thể sống bằng hy vọng chỉ cần thở oxy là sẽ ổn được" - Sadanand nhận xét.
Bác sĩ Chandrasekhar Singha, chuyên gia dịch tễ cấp cao tại New Delhi cho biết với các trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng 80%, họ cần phải điều trị viêm nhiễm bằng thuốc kháng virus, steroid và kháng sinh. "Oxy chỉ giúp câu giờ thôi," - ông nhận định, đồng thời cho biết mức 80% là rất nặng.
Cách 2 - 3h, Goldi lại gọi cho chồng. Họ chỉ trò chuyện được vài phút trước khi hơi thở của anh trở nên khó nhọc. Bản thân cô cũng cảm thấy lo sợ. Hiện tại, Goldi đã mang thai tháng thứ 7, và hoàn toàn không biết có bị mắc Covid hay không. Cô không có triệu chứng, nhưng cũng chưa làm xét nghiệm vì nó... tốn tiền - khoảng 900 rupee (tương đương 281.000 đồng tiền Việt). Dẫu vậy, cô vẫn phải chăm sóc chồng, vì chẳng còn ai khác cả.
Theo JD (Pháp Luật & Bạn Đọc)