Theo kênh Al Jazeera, khác với hàng triệu người Ấn Độ phải chạy vạy tiền bạc để chữa trị Covid-19, bà Savita Oberoi không hề nghèo. Dù vậy, gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu của bà cũng không thể cứu bà khỏi bệnh.
Họ không thể tìm cho bà giường trống hay ôxy kịp thời, và bà đã qua đời vì virus corona chủng mới ngày 12/4 vừa qua.
Con gái nạn nhân, Vandana Paliwal 38 tuổi ở tây Delhi, kể lại: "Chúng tôi đã tới ít nhất 15 bệnh viện, huy động mọi mối quan hệ và mạng lưới quen biết để tìm chỗ điều trị cho mẹ. Cuối cùng, nhờ một chỗ quen biết với ban quản lý bệnh viện, chúng tôi cũng có một giường cho mẹ sau nhiều ngày cố tìm".
Tuy nhiên, đã quá muộn. Vài tiếng sau đó, bà Oberoi qua đời. Bệnh viện đã gọi cho gia đình bà vào nửa đêm để thông báo tin buồn.
Paliwal bày tỏ: "Tôi chỉ có thể nói rằng người Ấn Độ không chết vì Covid-19. Họ chết vì không được điều trị kịp thời. Đó là khác biệt lớn. Tôi đã mất bố, giờ mất luôn cả mẹ. Đây là một đòn giáng kép với tôi".
Theo Paliwal, dù tình hình tài chính dư giả nhưng gia đình cô đã rất vất vả khi tìm chỗ điều trị cho mẹ. Cô nói: "Thử tưởng tượng tình cảnh của người nghèo mà xem. Khắp nơi người ta xếp hàng dài dằng dặc, tại bệnh viện, phòng khám, phòng xét nghiệm, hiệu thuốc… Suốt 2 ngày, tôi còn không thể liên lạc được với kỹ thuật viên xét nghiệm nào để xét nghiệm cho mẹ tôi. Ngay cả có tiền chữa Covid-19, cũng không có gì đảm bảo được điều trị và sống sót".
Khi bà Oberoi được xét nghiệm thì kết quả lại có muộn. Ba ngày sau khi Paliwal liên tục thúc giục thì họ mới nhận được kết quả. Lúc đó, tình trạng của bà Oberoi đã xấu đi.
Gia đình Paliwal được thông báo là phòng thí nghiệm gặp khó khăn vì có hàng nghìn bệnh nhân xét nghiệm. Bà Oberoi đã mắc sẵn bệnh tiểu đường và bệnh thận mãn tính.
Tới khi gia đình bà nhận được kết quả dương tính với Covid-19, họ cũng không thể điều trị ngay cho bà. Paliwal kể lại: "Chờ đợi thực sự rất bực mình. Tôi và chồng vừa phải lo chăm sóc mẹ vừa phải gọi điện khắp nơi để liên lạc với bệnh viện, bác sĩ. Chúng tôi không biết phải làm gì. Thật điên rồ. Cả thế giới dường như đổ sập quanh chúng tôi".
Hệ thống y tế Ấn Độ đã hoàn toàn sụp đổ dưới sức ép của làn sóng dịch bệnh thứ hai. Các bệnh viện ở Delhi đang đối mặt với tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng và thậm chí nhiều người phải lên mạng xã hội để tìm kiếm nguồn cung ôxy y tế. Nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian qua sau khi ôxy cạn kiệt ở một số bệnh viện.
Số ca tử vong gia tăng hằng ngày đã gây ra tình trạng quá tải cho các lò hỏa táng trên khắp thành phố. Cảnh sát Delhi đã yêu cầu cơ quan dịch vụ công ích tìm thêm các địa điểm hỏa táng.
Chợ đen đã mọc lên như nấm sau một đêm, bán đủ mọi thứ từ thuốc trị bệnh tới bình ôxy với giá cao gấp 10 lần là ít nhất.
Số ca mắc và số ca tử vong trên toàn Ấn Độ không ngừng gia tăng. Trong ngày 1/5, Ấn Độ ghi nhận 392.562 ca mắc và 3.688 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc ở nước này từ đầu dịch tới nay đã vượt 19,5 triệu ca, trong đó 215.523 ca tử vong.
Đã có ngày Ấn Độ ghi nhận trên 400.000 ca mắc COVID-19 mới. Riêng tháng 4 vừa qua, Ấn Độ phát hiện 7 triệu ca mắc mới.
Trong khi đó, thủ đô New Delhi sẽ tiếp tục áp đặt lệnh phong tỏa thêm một tuần do số ca mắc mới tăng mạnh.
Trong thông báo ngày 1/5 trên Twitter, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho biết các biện pháp phong tỏa ở thành phố này sẽ được gia hạn thêm. Đợt phong tỏa hiện tại dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 3/5. Tuy nhiên, số ca mắc mới tiếp tục tăng nhanh ở thành phố 20 triệu dân này đã buộc nhà chức trách phải kéo dài tình trạng phong tỏa.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, trong cùng ngày 1/5 riêng New Delhi ghi nhận thêm 27.000 ca mắc Covid-19 và 375 ca tử vong. Tuy nhiên, với kết quả xét nghiệm cho thấy tỷ lệ dương tính gần 33%, các chuyên gia cho rằng số ca mắc thực tế ở thành phố này có thể cao hơn.
Theo Thùy Dương (Báo Tin Tức)