Ấn Độ hiện được coi là tâm dịch của thế giới khi ghi nhận kỷ lục hơn 400.000 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ vào hôm 01/05. Hệ thống y tế đã có dấu hiệu quá tải, khiến bệnh nhân không thể tiếp cận điều trị hay thuốc men.
Tiến sĩ Anthony Fauci cho rằng việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, như các bệnh viện được sử dụng ở thành phố Vũ Hán hồi năm ngoái, có thể là một biện pháp khẩn cấp hữu hiệu.
"Những gì Trung Quốc đã làm khi họ gặp khủng hoảng, như các bạn vẫn còn nhớ, là chỉ trong vài ngày họ đã xây dựng các đơn vị khẩn cấp để sử dụng như bệnh viện," ông Fauci nói.
"Tôi cho rằng, dựa trên những gì tôi thấy trên TV về tình hình Ấn Độ, người dân đang rất cần được điều trị tại bệnh viện," giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nói thêm.
Ông cũng cho rằng Ấn Độ nên học hỏi các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc: "Chúng ta biết khi Trung Quốc chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh vào năm ngoái, họ đã phong tỏa rất nghiêm ngặt. Nếu áp dụng phong tỏa, các bạn không nhất thiết phải duy trì trong sáu tháng. Các bạn có thể chỉ phong tỏa tạm thời để chặn đứng vòng lây nhiễm".
Ấn Độ và Trung Quốc đều có dân số hơn 1 tỷ người với các khu đô thị rất đông người. Đợt bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020 hầu như chỉ tập trung tại Vũ Hán và các khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc, sau khi nước này áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt đối với thành phố.
Giới chức Trung Quốc khi đó đã cấm di chuyển ra vào thành phố Vũ Hán, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp giới hạn tại các khu vực khác trên cả nước. Biện pháp này vấp nhiều chỉ trích vào thời điểm đó, tuy vậy sau khi được ban hành kèm theo kiểm soát biên giới, Trung Quốc chỉ ghi nhận các đợt bùng phát lẻ tẻ trong 12 tháng qua.
Một số khu vực tại Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi, đã áp dụng các biện pháp giới hạn để đối phó với làn sóng Covid-19 mới hiện nay, tuy vậy chính phủ nước này chưa ban hành phong tỏa toàn quốc như hồi mùa Xuân năm ngoái.
Tiến sĩ Fauci cũng đề cập tới các biện pháp khẩn cấp khác, bao gồm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tích trữ oxy, máy thở và trang phục bảo hộ.
Ấn Độ rơi vào tình trạng thiếu trang thiết bị chống dịch do hệ thống y tế quá tải, tuy vậy nhiều nước đã gửi hàng cứu trợ trong những ngày qua, bao gồm, Mỹ, Anh, UAE, Bahrain và Thái Lan.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)