Trong kết quả nghiên cứu được tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness công bố ngày 18/10, mật độ phá rừng tại Quần đảo Solomon, đảo quốc nằm ở Nam Thái Bình Dương, đang gấp gần 20 lần so với mức bền vững.
Quy mô khai thác tăng chóng mặt vì nhu cầu khổng lồ từ thị trường Trung Quốc, Reuters dẫn lại nghiên cứu.
Các số liệu của ngân hàng trung ương Quần đảo Solomon cho thấy tổng lượng gỗ xuất khẩu trong năm 2017 tăng 20%, đạt hơn 3 triệu m3 với tổng giá trị khoảng 360 triệu USD.
Thị trường chủ đạo nhập khẩu gỗ từ Quần đảo Solomon chính là Trung Quốc. Nước này cũng là nhà nhập khẩu gỗ lớn nhất thế giới.
Global Witness nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách quản lý nhập khẩu, chống buôn lậu gỗ và đẩy mạnh điều tra nguồn gốc xuất xứ đơn hàng.
"Quy mô khai thác gỗ (của Quần đảo Solomon) đã đạt mức không bền vững và những cánh rừng tự nhiên sẽ nhanh chóng biến mất nếu không có sự điều chỉnh", Beibei Yin, trưởng nhóm nghiên cứu của Global Witness, cho biết.
"Số lượng các công ty Trung Quốc nhập khẩu gỗ từ quần đảo lớn đến mức nếu tất cả cùng ngưng mua gỗ thì chúng ta vẫn có cơ hội xoay chuyển tình thế", bà khẳng định.
Global Witness cảnh báo nếu đảo quốc này tiếp tục duy trì quy mô khai thác rừng như hiện nay, tất cả các cánh rừng sẽ bị đốn sạch. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của nước này cũng cạn kiệt.
Khai thác rừng quy mô lớn tàn phá các thảm thực vật cùng nhiều loại hoa quả và rau củ trong tự nhiên, vốn là nguồn thực phẩm cho người dân địa phương. Môi trường sinh sống của nhiều loại động vật bản địa cũng bị hủy hoại.
Quần đảo Solomon có khoảng 2,2 triệu hecta rừng, bao phủ gần 80% tổng diện tích đất, trải rộng trên 990 đảo lớn nhỏ. Theo Global Witness, mức khai thác bền vững đối với quần đảo Solomon chỉ vào khoảng 155.000 m3/năm.
Tổ chức này không ước tính thời điểm viễn cảnh Quần đảo Solomon "sạch rừng" trở thành hiện thực.
Một nghiên cứu sơ bộ vào năm 2011 của Bộ Lâm nghiệp Quần đảo Solomon dự báo các cánh rừng có nguy cơ kiệt quệ vào năm 2036 nếu nạn phá rừng bừa bãi tiếp diễn. Cơ quan này từng cam kết sẽ siết chặt quy định xử phạt đối với hành động khai thác gỗ bất hợp pháp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Global Witness, những hạn chế về năng lực thực thi pháp luật tại nước này đã làm tăng nguy cơ các doanh nghiệp khai thác rừng vượt mức cho phép.
Ảnh chụp vệ tinh được tổ chức này thu thập đã phát hiện nhiều tuyến đường khai thác gỗ lậu trong các khu rừng cấm, với tổng chiều dài gần 669 km.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)