Câu chuyện tưởng chừng hư cấu được ông Martin Richardson chia sẻ trong chương trình "Saved from a Shark" của kênh National Geographic, vốn có 50 triệu khách hàng tại châu Á.
"Tôi đang bơi ở biển Đỏ tại Ai Cập thì bị cá mập tấn công" – ông Martin Richardson kể lại khoảnh khắc thập tử nhất sinh hôm 1-7 – "Tôi bị cá mập cắn xé 5 lần, mất khoảng 2,8 lít máu. Lúc tôi đang chờ chết thì điều kỳ diệu xảy ra".
Nạn nhân kể thêm rằng trong thời khắc tuyệt vọng bỗng đâu phía sau lưng có một đàn cá heo xuất hiện và cá mập không lao vào tấn công ông nữa.
"Sau đó, tôi được đưa lên lên thuyền chở tới bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ đã khâu cho tôi 300 mũi, các vết thương đều do cá mập gây ra" – nạn nhân Martin Richardson kể lại với giọng bàng hoàng và quả quyết – "Tôi tin chắc rằng những con cá heo đã cứu mạng tôi".
Tham gia chương trình còn có 4 nạn khác, bao gồm những nhà sinh vật học biển, kể lại chuyện bản thân đã bị cá mập tấn công nhưng sau đó được cá heo hoặc cá voi cứu sống.
Vậy thực sự cá heo hoặc cá voi có chủ đích bảo vệ con người khỏi cá mập tấn công? Câu trả lời vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều.
"Khả năng không phải cá heo có chủ đích cứu sống ông Martin Richardson" – giáo sư Mike Heithaus thuộc khoa Khoa học sinh học tại ĐH Quốc tế Florida (Mỹ) nhận định – "Có thể đàn cá heo nhìn thấy vết máu loang từ phía nạn nhân nên chúng biết có cá mập trong khu vực. Hành động của cá heo khi xua đuổi cá mập chủ đích là bảo vệ con non".
Các chuyên gia khác tham gia chương trình "Saved from a Shark" đều có chung nhận định với giáo sư Mike Heithaus, rằng cá voi hoặc cá heo không chủ định cứu con người mà chúng đang bảo vệ con non, bản thân và đồng loại khỏi cá mập.
Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)