Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạt động vì quyền động vật đã khởi động chiến dịch kêu gọi trả tự do cho các con cá voi sát thủ đang phải sống trong môi trường nuôi nhốt. Dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng những con vật này đã được chứng minh là không phù hợp sống trong các hồ chứa, kết quả là dẫn đến nhiều kết cục bi thảm cho chúng và cả con người. Những gì xảy ra với con cá voi sát thủ Hugo là một ví dụ điển hình.
Vào năm lên 3 tuổi, Hugo đã bị những kẻ săn bắt động vật bắt được tại khu vực biển Washington, Mỹ trước khi được bán lại cho thủy cung Miami Seaquarium, Florida. Khi ấy, con vật phải sống trong một bể nước chật hẹp trong lúc chờ chiếc hồ lớn hơn hoàn công. Thời gian đó, nó bắt đầu khóa huấn luyện của mình.
Được biết, cá voi sát thủ sở hữu bộ não to thứ 2 trong thế giới động vật. Chúng có thể được đào tạo để phản ứng, thực hiện những hành động biểu diễn như nhảy lên cao theo yêu cầu của huấn luyện viên, khiến cho đám đông khán giả phải trầm trồ khi một sinh vật biển khổng lồ vô cùng nguy hiểm lại có thể xuất hiện và làm trò ngay trước mặt họ.
Nhưng đối với Hugo, cuộc sống ấy chẳng hề vui vẻ gì. Con vật bắt đầu có những biểu hiện bất thường như đập đầu vào thành hồ bơi mới đến nỗi gãy mũi. Chưa dừng lại ở đó, Hugo còn tỏ thái độ hung hãn đối với huân luyện viên, húc đầu vào họ và cắn họ.
Có lần, Hugo đâm đầu vào bong bóng nhựa dùng để quan sát dưới đáy hồ đến nỗi khiến một phần mũi bị cắt đi mất. Trong cuốn sách "Behind the Dolphin Smile", tác giả Richard O'Barry, nhà sáng lập Dự án cá heo cũng là một cựu huấn luyện viên, đã viết: "Khi tôi cho Hugo ăn, phần đuôi của nó nằm dưới đáy hồ trong khi đầu thì vươn ra khỏi mặt nước chứng tỏ chiếc hồ ấy quá bé so với kích thước của con vật. Thật là thảm thương. Họ muốn tôi huấn luyện cho Hugo nhưng tôi từ chối và bỏ đi với đầy sự khinh bỉ".
Vào năm 1980, Hugo qua đời sau khi bị xuất huyết não. Các nhà hoạt động vì quyền động vật tin rằng con vật đã tự kết liễu đời mình để thoát khỏi cuộc sống bị giam cầm. Không rõ người ta xử lý thi thể của Hugo ra sao nhưng nhiều thông tin cho biết nó bị bỏ mặc trên một bãi đất trống.
Điều đáng ngạc nhiên là "nửa kia" của Hugo, con cá voi sát thủ cái Lolita, được đưa đến một công viên nước khác và sau 40 năm, hiện vẫn còn sống sót. Các nhà hoạt động vì quyền động vật vẫn đang tích cực đấu tranh cho sự tự do của con vật.
Cuộc chiến này tiếp tục nóng lên vào năm 2013 sau khi phim tài liệu Blackfish ra đời, một lần nữa khẳng định cá voi sát thủ không hề phù hợp sống trong môi trường nuôi nhốt. Bộ phim nói về con cá voi có tên là Tilikum, có liên quan đến 3 cái chết.
Ngày 20/2/1991, một sinh viên học ngành Sinh vật biển 21 tuổi đã rơi xuống hồ nơi Tilikum sinh sống cùng với 2 con cá voi khác trong lúc đang làm việc tại Sealand Pacific, Canada. Khi đó, 3 con vật đã xúm lại nhấn chìm nữ sinh và lôi cô đi khắp hồ. Có lúc, nạn nhân đã cố bơi lên trên và trèo ra khỏi hồ nhưng không được. Các huấn luyện viên đã ném phao cứu sinh cho nữ sinh và cố gắng đánh lạc hướng những con cá voi nhưng không thành. Kết quả là nữ sinh ấy đã chết đuối và phải vài giờ sau đó, người ta mới vớt xác cô ra khỏi mặt nước được.
Tilikum sau đó được chuyển đến công viên Seaworld Orlando. Năm 1999, một người đàn ông 27 tuổi đã chết sau khi lẻn vào hồ bơi và bị con vật tấn công. 1 năm sau đó, Tilikum túm lấy một nữ huấn luyện viên và lôi cô xuống nước. Con vật cắn đứt cánh tay nạn nhân và cố dìm cô xuống nước khiến nạn nhân chết đuối.
Tilikum qua đời vào năm 2017.
Trong khi những người ủng hộ nói rằng việc nuôi nhốt cá voi sát thủ sẽ giúp cho các nhà khoa học hiểu thêm về loài động vật này, thúc đẩy chương trình bảo tồn loài vật này trong tự nhiên nhưng đông đảo tổ chức từ thiện vẫn tiếp tục kêu gọi trả chúng về với thế giới tự nhiên.
(Nguồn: Dailystar)
Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)