Là một trong những vị vua, nhà cầm quân lỗi lạc nhất lịch sử thế giới cổ đại, Alexander Đại đế (356 trước Công nguyên - 323 trước Công nguyên) được hậu thế ngưỡng mộ, nể phục là hoàng đế bách chiến bách thắng. Ông kế thừa ngai vàng sau khi vua cha Philip II của vương quốc Macedonia băng hà năm 336 trước Công nguyên.
Ngay sau khi lên ngôi vua, Alexander Đại đế đã chấn chỉnh quân đội và thực hiện các cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ và bành trướng ảnh hưởng sang các khu vực khác.
Chỉ trong vòng 8 năm, Alexander Đại đế chỉ huy quân đội Macedonia thực hiện nhiều cuộc chinh phạt thành công, đánh bại và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ trù phú, rộng lớn như Ba Tư, Ai Cập...
Theo đó, đế chế của Alexander Đại đế trải dài trên 3 châu lục: Á, Âu, Phi với diện tích khoảng 5 triệu km2. Vị hoàng đế này đã sáng lập 70 thành phố và đặt theo tên của mình.
Trong suốt sự nghiệp cầm quân, Alexander Đại đế chưa từng nếm mùi thất bại, khiến các kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nghe đến tên của ông. Thế nhưng, vào năm 323 trước Công nguyên, nhà cầm quân bách chiến bách thắng này đột ngột qua đời ở Babylon (Iraq ngày nay). Khi đó, Alexander Đại đế 33 tuổi.
Cái chết của Alexander Đại đế trở thành bí ẩn lớn. Nguyên nhân là bởi trong các ghi chép cổ xưa không ghi rõ ông hoàng này băng hà vì lý do nào. Kỳ lạ hơn nữa, trong suốt 6 ngày sau khi chết, thi hài của Alexander Đại đế không có dấu hiệu phân hủy.
Lúc sinh thời, Alexander Đại đế là một nhà cầm quân trẻ tuổi, khỏe mạnh, thiện chiến và thường đích thân dẫn quân đánh địch. Do vậy, không ai biết ông đã mắc bệnh gì dẫn tới phải nằm trên giường bệnh 12 ngày rồi tử vong dù được các thầy thuốc hàng đầu dốc sức cứu chữa.
Trước bí ẩn này, một số giả thuyết cho rằng, Alexander Đại đế có thể mất mạng vì mắc bệnh sốt rét, thương hàn, ngộ độc rượu hay thậm chí là bị đầu độc.
Để giải mã bí ẩn về cái chết của Alexander Đại đế, các chuyên gia cố gắng tìm kiếm lăng mộ ông hoàng này trong suốt nhiều thế kỷ qua. Họ hy vọng sẽ sớm tìm thấy thi hài nhà cầm quân bách chiến bách thắng để từ đó tìm ra nguyên nhân tử vong của Alexander Đại đế.
Dù vậy, đến nay, giới khảo cổ vẫn chưa tìm được nơi an nghỉ ngàn thu của ông hoàng này ngay cả khi đã thực hiện nhiều nghiên cứu, khảo sát tại nhiều địa điểm từng là vùng đất mà Alexander Đại đế trị vì.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)