Bệnh nhân đầu tiên được tiêm virus đặc biệt có khả năng diệt ung thư

23/05/2022 16:03:37

Virus chống ung thư thử nghiệm đầu tiên đã được tiêm cho một bệnh nhân, với hy vọng quá trình này sẽ hé lộ những bằng chứng về các phương pháp điều trị ung thư mới.

Bệnh nhân đầu tiên được tiêm virus đặc biệt có khả năng diệt ung thư
Ảnh minh họa

Ứng viên thử nghiệm, tên gọi CF33-hNIS (hay còn gọi là Vaxinia), là một virus hủy u. Đây là một loại virus đặc biệt đã được điều chỉnh gene để xâm nhập và tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng không gây ảnh hưởng tới tế bào khỏe mạnh trong cơ thể người.

Trong trường hợp của CF33-hNIS, virus hủy u này hoạt động bằng cách xâm nhập vào tế bào và tự nhân bản. Sau một thời gian, tế bào bị xâm nhập sẽ vỡ ra, giải phóng hàng ngàn phân tử virus mới hoạt động như các kháng thể, kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư xung quanh.

Các nghiên cứu trước đó trên động vật cho thấy loại thuốc này có thể "khai thác" hệ miễn dịch bằng cách này để tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng tới nay thuốc mới thử nghiệm trên người.

Các đơn vị đồng sản xuất thuốc là Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Ung thư City of Hope (trụ sở Los Angeles, Mỹ) và hãng công nghệ vi sinh Imugene thông báo thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người đã bắt đầu.

Giai đoạn một quá trình thử nghiệm CF33-hNIS sẽ đánh giá liệu loại thuốc này có an toàn hay không. Dự tính khoảng 100 tình nguyện viên sẽ tham gia thử nghiệm, tất cả đều là bệnh nhân người lớn có khối u di căn hoặc u đặc, trước đây đã từng thử các phương pháp điều trị tiêu chuẩn.

Tham gia vào thử nghiệm, những người này sẽ được tiêm thuốc liều thấp. Nếu kết quả ban đầu là thành công và CF33-hNIS được coi là an toàn, không gây nhiều phản ứng phụ, các thử nghiệm tiếp theo sẽ đánh giá loại thuốc này kết hợp với liệu pháp kháng thể pembrolizumab có hiệu quả hay không.

Trước khi đánh giá mức độ hiệu quả, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra xem liệu bệnh nhân phản ứng như thế nào với thuốc, đồng thời giám sát sự thay đổi của các tình nguyện viên khi được tiêm liều tăng dần.

Các đánh giá về việc CF33-hNIS làm teo u hiệu quả ở mức nào sẽ được phân tích sau đó. Dự kiến thử nghiệm sẽ kéo dài hai năm tại nhiều khu vực khác nhau.

Hà An (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật