Sau khi được mẹ nặn mụn đầu đen ở mũi, Xiao Mei, 10 tuổi, sống ở Quảng Châu, Trung Quốc, phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ cho hay tay của người mẹ không được vệ sinh sạch sẽ khiến Xiao Mei bị nhiễm khuẩn nặng và dẫn đến nhiễm trùng ở não.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện khối áp xe ở dưới thùy thái dương bên phải ở não dài 4,5 cm, rộng 3,5 cm và dày 3 cm. Trong cuộc phẫu thuật kéo dài 5 tiếng, ê-kíp đã lấy 8 ml mủ từ khối áp xe ra khỏi não.
Bác sĩ Xiang Yongsheng, Bệnh viện Đại học Tế Nam, Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết lúc nhập viện, cô bé gần như mất ý thức, bị tăng áp lực nội sọ. Bệnh nhi có các triệu chứng tương tự như giai đoạn đầu của thoát vị não, áp lực nội sọ có thể bắt nguồn từ mủ và các vấn đề khác trong não do nhiễm khuẩn.
Theo bác sĩ này, bệnh nhi bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin. Đây là loại vi khuẩn có thể kháng một số loại kháng sinh đang được sử dụng phổ biến. Mạch máu ở vùng mũi và miệng kết nối trực tiếp với não, nên khi nặn mụn ở khu vực "tam giác tử thần" có thể dẫn đến nguy hiểm đối với não và hệ thần kinh trung ương. Bạn có thể kiểm tra vùng tam giác này bằng cách đặt bàn tay lên mũi và miệng. Các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không tự tiện nặn mụn đặc biệt là trong khu vực tam giác này.
Theo gia đình, sau khi được nặn mụn đầu đen, bé gái này có dấu hiệu sốt, chóng mặt, buồn ngủ, nhưng gia đình chỉ nghĩ Xiao Mei bị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi này ngày càng tiến triển theo chiều hướng xấu, kèm các triệu chứng đau đầu, nôn và không muốn ăn trong 3 ngày. Khi thấy các dấu hiệu này, người thân của Xiao Mei đưa cô bé đến bệnh viện để kiểm tra.
Theo Quang Minh (Tri Thức Trực Tuyến)