Nếu lần được nghe kể câu chuyện của cô bé Genie Wiley, có lẽ nhiều người cho rằng đó chỉ là một câu chuyện hư cấu, không có thật bởi mức độ tàn ác, nghiêm trọng không tưởng. Một đứa trẻ bị giam cầm, tách biệt hoàn toàn khỏi xã hội trong suốt 13 năm đầu đời. Người cha tàn ác và người mẹ nhu nhược của cô bé đã bỏ mặc Genie đến độ cô bé không biết nói và còi cọc đến mức trông như chỉ mới 8 tuổi trong khi thực chất em đã tồn tại 14 năm trên cõi đời.
Tuổi thơ cay đắng cùng cực
Năm 1957, Genie Wiley (tên đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư) cất tiếng khóc chào đời. Mẹ của em là Irene Oglesby. Bà Irene là một người tị nạn ở Dust Bowl chạy trốn đến khu vực Los Angeles. Ở đây bà gặp người đàn ông hơn nhiều tuổi tên Clark Wiley và lấy làm chồng. Ông Clark từng là thợ máy làm việc trong dây chuyền lắp ráp máy bay ở Los Angeles trong và sau Chiến tranh thế giới II. Mẹ của Clark làm việc trong một nhà thổ, bà đối xử với ông vô cùng tồi tệ nhưng ngược lại, ông vẫn hết lòng vì mẹ mình.
Clark Wiley không bao giờ muốn có con. Ông ta ghét sự ồn ào và căng thẳng mà chúng mang đến. Khi con gái đầu lòng chào đời, ông ta đã bỏ con trong nhà xe vì cô bé khóc quá nhiều và chết vì viêm phổi. Người con thứ hai cũng chết yểu khi mới 2 ngày tuổi do dị tật bẩm sinh. Sau đó, Genie và anh trai John lần lượt chào đời.
Anh trai John cũng phải chịu đựng sự ngược đãi từ cha đẻ của mình nhưng tất cả chẳng thấm vào đâu so với những gì Genie phải chịu.
Clark luôn tỏ ra là gã dị hợm nhưng kể từ sau cái chết của mẹ ông ta do một người lái xe say xỉn gây ra vào năm 1958, ông ta càng trở nên bất cần đời hơn.
Clark Wiley tự khẳng định rằng con gái Genie của mình (khi ấy mới 20 tháng tuổi) bị thiểu năng trí tuệ và cô bé sẽ trở nên vô dụng đối với xã hội. Vì vậy, ông ta đã tự tay tách con khỏi xã hội. Không ai được phép tiếp xúc với cô bé. Genie bị nhốt trong một căn phòng tối đen hoặc có khi thì trong một chiếc lồng tạm bợ rồi đặt trong nhà vệ sinh để đại tiện, tiểu tiện luôn ra đó.
Clark sẽ đánh con bằng một tấm gỗ lớn nếu có bất kỳ vi phạm nào. Ông ta gầm gừ bên ngoài cửa, gieo vào lòng cô bé nỗi sợ hãi những con vật có móng vuốt. Một số chuyên gia tin rằng Genie cũng bị cha đẻ lạm dụng tình dục. Điều này được đưa ra dựa vào một số hành vi sau này của cô bé, đặc biệt là với đàn ông lớn tuổi.
Sau khi được giải cứu, Genie Wiley nói bằng giọng ngô nghê như 1 đứa trẻ lên 3: "Cha đánh vào tay. Gỗ lớn. Genie khóc... Không được khạc nhổ. Cha. Đánh vào mặt - khạc nhổ. Cha đánh bằng gậy lớn. Cha tức giận. Cha đánh Genie bằng cây gậy lớn. Cha lấy mảnh gỗ đánh. Khóc. Cha làm con khóc”.
Cô bé đã trải qua 13 năm đằng đẵng theo cách đó.
Ngày được giải thoát
Sáng ngày 4/11/1970, một người phụ nữ mù và cô con gái suy dinh dưỡng nặng vô tình bước vào một văn phòng dịch vụ xã hội ở Arcadia, California, Mỹ. Đó chính là bà Irene Wiley mang theo con gái Genie đến trung tâm bảo trợ xã hội. Ban đầu, bà định tìm kiếm văn phòng cho người khuyết tật, với hy vọng được nhận một khoản trợ cấp, nhưng bà đã vào nhầm tòa nhà.
Nhân viên bảo trợ xã hội nhận thấy đứa trẻ đứng phía sau lưng mẹ có điều gì đó không bình thường. Đứa trẻ không thể giao tiếp bằng mắt, người mỏng như tờ giấy và đi như một chú thỏ con với hai tay đặt trước ngực và chân nhảy lò cò. Sau một loạt câu hỏi, đứa trẻ đã được nhân viên Phúc lợi trẻ em đưa đến bệnh viện để thăm khám.
Tại bệnh viện Nhi đồng Los Angeles, các bác sĩ đã có những khám phá đáng kinh ngạc. Ban đầu, các bác sĩ tin rằng Genie không quá 6 hoặc 7 tuổi, nhưng hóa ra cô bé đã gần 14 tuổi. Genie được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng nặng, không thể nói hay đi đứng đúng cách. Ngay sau khi nhận thông tin, cảnh sát đã lập tức tiến hành điều tra bố mẹ của cô bé với tội danh lạm dụng trẻ em còn Genie Wiley thì được đưa đến nhà tình thương.
Clark bị triệu tập đến tòa nhưng cho đến tận giây phút ấy, ông ta dường như vẫn chưa tỉnh ngộ. Ông ta đã tự sát và để lại mẩu giấy ghi dòng chữ: "Thế giới sẽ không bao giờ hiểu được".
Lại trở thành "miếng ngon" cho khoa học nghiên cứu
Khi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles, cô bé Genie chỉ nói được vài từ và được các chuyên gia y tế ở đó gọi là “đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc nhất mà họ từng thấy”.
Trường hợp của Genie đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và bác sĩ. Nhiều người đã nộp đơn đăng ký và được Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ cấp cho một khoản tài trợ để nghiên cứu về trường hợp của cô bé. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu về đề tài “Hậu quả phát triển của sự cô lập xã hội cực đoan” trong bốn năm từ năm 1971 đến năm 1975.
Trong 4 năm đó, Genie đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học này. Susie Curtiss, một nhà ngôn ngữ học có liên quan mật thiết đến cuộc nghiên cứu về những đứa trẻ hoang dã, nói: “Cô bé ấy không được giao tiếp xã hội và hành vi của em thật đáng sợ".
Trong thời gian này, Genie đã phải thực hiện nhiều bài kiểm tra để các bác sĩ khám phá liệu cô bé có thực sự bị khuyết tật phát triển hay chính sự ngược đãi đã dẫn đến khuyết tật trí tuệ này.
Susie Curtiss nhận thấy rằng cứ mỗi năm Genie thêm một tuổi, cô bé lại tiến bộ hơn trong việc học. Genie đã học cách chơi, nhai, mặc quần áo và thưởng thức âm nhạc. Cô bé mở rộng vốn từ vựng của mình và phác thảo hình ảnh để truyền đạt những từ không thể. Cô bé thực hiện tốt bài kiểm tra trí thông minh.
Nhưng cũng trong 4 năm đó, Genie trở thành một đối tượng thí nghiệm của các nhà khoa học. Cô bé phải đến sống với nhiều thành viên trong nhóm các nhà khoa học, những người đem em ra quan sát và nghiên cứu.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của "Nhóm Genie" là muốn biết sự chậm phát triển của Genie là một triệu chứng từ sự lạm dụng hay cô bé sinh ra đã mang khuyết tật bẩm sinh. Làm thế nào để một đứa trẻ phát triển nếu chúng không tiếp xúc với ngôn ngữ, xã hội hoặc văn hóa?
Cho đến cuối những năm 60, phần lớn các nhà ngôn ngữ học tin rằng trẻ em không thể học ngôn ngữ sau tuổi dậy thì. Nhưng Genie là một trường hợp cá biệt. Cô bé khao khát học hỏi và rất tò mò. Các nhà nghiên cứu nhận thấy cô bé “có khả năng giao tiếp cực tốt”. Hóa ra là Genie có thể học ngôn ngữ, nhưng ngữ pháp và cấu trúc câu hoàn toàn là chuyện khác.
Curtiss giải thích rằng, đối với nhiều người trong chúng ta, suy nghĩ sẽ được mã hóa bằng lời nói. Đối với Genie, suy nghĩ của cô bé hầu như không bao giờ được mã hóa bằng lời nói, nhưng nó có nhiều cách khác để diễn đạt.
“Cô bé ấy thông minh”, Curtiss nói. “Cô bé có thể cầm một bộ tranh để kể một câu chuyện. Cô bé có thể tạo ra đủ loại cấu trúc phức tạp từ những chiếc que. Cô bé có những dấu hiệu thông minh khác thường".
Genie đã cho các nhà nghiên cứu thấy rằng ngữ pháp trở nên không thể giải thích đối với trẻ em nếu không được đào tạo từ năm đến 10 tuổi, nhưng giao tiếp và ngôn ngữ vẫn hoàn toàn có thể đạt được. Trường hợp của Genie cũng đặt ra một số câu hỏi về trải nghiệm của con người.
“Ngôn ngữ có làm nên con người chúng ta không? Đó là một câu hỏi khó”, Curtiss nói. “Ai đó có thể biết rất ít ngôn ngữ mà vẫn hoàn toàn là con người, có tình yêu thương, hình thành các mối quan hệ và gắn kết với thế giới. Genie chắc chắn đã có sự gắn kết với thế giới xung quanh. Cô bé có thể vẽ ra thứ mà cô bé muốn truyền đạt và bạn hoàn toàn có thể hiểu được".
Bất chấp những tiến bộ của Genie, các nhà tài trợ đã kết thúc nghiên cứu vào năm 1975. Sau đó, Genie đến sống với mẹ mình trong một thời gian ngắn.
Năm 1979, bà Irene Wiley đệ đơn kiện bệnh viện và những người được ủy quyền chăm sóc con gái bà, bao gồm các nhà khoa học với cáo buộc khai thác Genie vì uy tín và lợi nhuận. Vụ kiện được đem ra xem xét vào năm 1984 nhưng không được giải quyết do không thể liên lạc với những nhà nghiên cứu đã từng tham gia nghiên cứu Genie.
Cuối cùng, Genie được đưa vào một số nhà tình thương. Cô bé tiếp tục bị lạm dụng. Tại đó, Genie được cho là bị đánh vì nôn mửa. Cô bé đã không bao giờ có thể có lại được những tiến bộ từng đạt được trước đó.
Khi bà Irene dành được quyền nuôi con, bà từ chối để con gái mình trở thành đối tượng của bất kì nghiên cứu nào. Sau khi bà Irene mất năm 2003, không còn bất kì ai biết thông tin gì về Genie nữa, kể cả người anh trai tên John.
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)