Báo cáo phát hiện "thất bại về cấu trúc" và "thiếu trách nhiệm cá nhân" trong nội bộ WHO sau khi hàng chục phụ nữ nói với các điều tra viên rằng họ phải quan hệ tình dục để có việc làm, hoặc là nạn nhân hiếp dâm.
"Điều đầu tiên tôi muốn nói với các nạn nhân... Tôi xin lỗi," Tedros nói tại một cuộc họp báo.
"Ưu tiên hàng đầu của tôi lúc này là thủ phạm không được dung thứ mà phải bị truy cứu trách nhiệm. Đây là một ngày đen tối của WHO," ông nói thêm.
Báo cáo tập trung vào các cáo buộc nhắm vào nhân viên địa phương và quốc tế được điều động tham gia chống dịch Ebola tại CHDC Congo từ năm 2018 tới 2020.
Tedros cho biết hai nhân viên cấp cao của WHO đã bị đình chỉ công tác.
"Chúng tôi đã có những động thái đảm bảo các cá nhân liên quan tạm thời không tham gia các vai trò ra quyết định về những cáo buộc lạm dụng tình dục," ông nói thêm.
Giám đốc WHO ở khu vực châu Phi Matshidiso Moeti trong cuộc họp báo cho biết cơ quan này "bàng hoàng và đau lòng trước những kết luận của cuộc điều tra".
Ủy ban điều tra đặc biệt đã xác định 83 nghi phạm liên quan tới vụ bê bối, trong đó có 21 nhân viên của WHO. Bốn nhân viên đã bị sa thải và cấm tuyển dụng trở lại. WHO cũng cho biết họ sẽ thông báo cho Liên Hợp Quốc về những trường hợp này.
WHO cũng sẽ thông tin về các cáo buộc hiếp dâm tới nhà chức trách Congo và những nước khác có liên quan, ông cho biết thêm.
Trước đó hồi tháng 05, truyền thông đăng tải thông tin ban lãnh đạo WHO biết rõ về các cáo buộc lạm dụng tình dục ở CHDC Congo nhưng không có động thái nào. 53 nước đã đề nghị WHO tỏ rõ "tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ và mẫu mực" trong ngăn chặn làm dụng tình dục.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)