Đàm Dao (SN 1994) là một trong những thần đồng nổi tiếng tại Trung Quốc . Năm 2 tuổi cô bé đã đi học lớp tiền tiểu học, 14 tuổi vào cấp 3 và được kỳ vọng sẽ có tương lai tươi sáng.
Tuy nhiên cuộc đời cô bé chính thức chấm dứt vào năm 2008, sau khi bị giáo viên phê bình.
Cái chết của nữ thần đồng này không phải do một phút tổn thương vì lời nói của thầy giáo mà là hệ lụy suốt 14 năm liền phải gồng gánh áp lực học tập.
Nhìn lại của cuộc đời của cô bé này, ai nấy đều xót xa cho một tài năng chưa nở đã tàn vì cách giáo dục sai lầm của cả cha mẹ và xã hội.
Thần đồng bị gia đình bắt "chín ép"
Đàm Dao sinh ngày 28/8/1994 tại thị trấn Bách Lý Châu, thành phố Chỉ Giang, Trung Quốc. Cô bé có mẹ là giáo viên tiểu học, bố là giáo viên trung học.
Ngay từ nhỏ, Tiểu Đàm đã bộc lộ trí thông minh, năng lực học tập hơn người. Khi mới 2 tuổi, cô bé đã được mẹ cho học tiền tiểu học ở trường mình đang dạy.
Dù còn nhỏ tuổi nhưng Tiểu Đàm đã tỏ ra thông tuệ ở các môn đánh vần, học chữ, ca hát, số học. Đặc biệt cô bé chỉ cần nhìn qua cũng có thể nhận biết được các chữ mới.
Các phép tính cộng trừ trong phạm vi 100 đều là chuyện nhỏ. Nhận thấy khả năng của con, bố mẹ Tiểu Đàm quyết định cho cô bé đi học sớm trước tuổi.
4 tuổi, Đàm Dao đã đi học tiểu học, thành tích luôn xuất sắc nhất lớp.
Năm lớp 3, cô bé đã chuẩn bị trước toàn bộ chương trình của lớp 4. Đến năm lớp 4 thì giành vị trí thủ khoa, thuận lợi vào học vượt lên lớp 5.
Trong học kỳ đầu năm lớp 5, Tiểu Đàm lại học trước luôn cả chương trình của lớp 5 nên đến học kỳ sau vào tiếp tục nhảy lớp. Trong 6 năm tiểu học, Đàm Dao chỉ học mất 4 năm.
Do tuổi tác còn nhỏ nên khi đi học cô bé không có học bạ, đến cấp 2 mới bổ sung thêm tài liệu. Năm 9 tuổi, Đàm Dao chuyển đến trường trung học Lưu Hạng ở Bách Lý Châu để học tập vì mẹ chuyển công tác.
Tại đây, cô bé có thành tích đứng thứ 2 toàn trường và được tuyển thẳng vào trường trung học số 1 Chi Giang chuyên ban toán học.
Nhắc đến Đàm Dao, hiệu trưởng trường Lưu Hạng từng nhận xét nữ thần đồng này không chỉ học giỏi mà còn rất cá tính, đa tài đa nghệ. Được biết, Tiểu Đàm có thể múa hát, đánh đàn và rất yêu thích thể dục và máy tính.
Thời điểm trước khi cô bé qua đời, Trung Quốc đang rộn ràng công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh.
Đàm Dao từng bày tỏ mong muốn được trở thành tình nguyện viên trong lễ hội thể thao tầm cỡ thế giới này. Tuy nhiên ước mơ của nữ thần đồng 14 tuổi mãi mãi không thành hiện thực.
Cha mẹ, con mệt rồi...
9h30 phút sáng ngày 6/3/2008, thầy giáo chủ nhiệm Lý Khai Tùng phát hiện Đàm Dao đang lén đọc tạp chí trong giờ học Tiếng Anh.
Trước đó, cô bé từng mắc lỗi này 2 lần và hôm đó tiếp tục tái phạm. Sau giờ học, Đàm Dao đã bị thầy giáo gọi lên bục giảng để cảnh cáo trước cả lớp.
Nhớ lại ngày định mệnh ấy, thầy Lý cho biết: "Tôi còn nhớ rất rõ, tôi chỉ nói với Đàm Dao 3 câu. Trong đó có câu: "Đàm Dao tuần này em không đạt được thành tích" và "phải mời phụ huynh của em đến trường để trao đổi".
Trước đó trong quá trình dạy học, thầy Lý cũng rất để ý và luôn nghiêm khắc, sát sao với việc học của Đàm Dao vì được bố của em - cũng là 1 đồng nghiệp trong ngành nhờ vả.
Kể từ khi bị thầy giáo trách phạt, Đàm Dao bắt đầu cư xử lạ lùng. Cô bé tỏ ra trầm mặc, không nói chuyện, chơi đùa vui vẻ với các bạn như trước.
Tiểu Đàm cũng không ăn cơm trưa mà nhờ một người bạn mang cho gói mỳ tôm. Đến tầm 5-6 chiều, thầy Lý phát hiện cô bé mất tích. Trên bàn học của Đàm, người ta tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh.
Ngay lập tức, giáo viên và phụ huynh lập tức đổ xô đi tìm Tiểu Đàm. Khả năng cô bé trốn học, đi ra khỏi cổng trường được loại bỏ bởi bảo vệ cho biết, bất kỳ học sinh nào đi ra đi vào đều phải có giấy phép.
Dù mọi lực lượng đã tỏa đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không ai trông thấy bóng dáng cô bé. Đến ngày 8/3/2008, tất cả mới bàng hoàng phát hiện xác của Tiểu Đàm trong ao nước cạnh trường.
Cái chết của nữ thần đồng khiến ai nấy đều đau đớn, xót xa. Ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Đàm Dao còn cả tương lai tươi đẹp phía trước nhưng lại ra đi mãi mãi, bỏ lại phía sau gia đình, thầy cô và bạn bè.
Không ít người thắc mắc tại sao cô bé lại có quyết định dại dột như vậy. Nhưng nhìn lại 14 năm cuộc đời của Đàm Dao, đặc biệt là thư tuyệt mệnh, người ta mới vỡ lẽ tại sao nữ thần đồng lựa chọn cách tiêu cực đến thế.
Cả cuộc đời Đàm Dao là những ngày sống trong kỳ vọng, áp lực của cha mẹ. Cô bé không có tuổi thơ, phải học tập cùng với những người không cùng độ tuổi.
Đối với cha mẹ, Đàm Dao thậm chí không được những thể hiện những khía cạnh ham chơi, ham vui như mọi đứa trẻ đồng trang lứa khác.
Cô bé cũng không được phép mắc sai lầm mà phải không ngừng vươn lên, đạt được thành tích tốt trong học tập.
Sự việc thầy Lý yêu cầu mời phụ huynh đến trường trao đổi giống như một giọt nước tràn ly với Tiểu Đàm.
Có lẽ cô bé đã rất sợ hãi việc khiến bố mẹ thất vọng và có thể bị mắng mỏ. Chiếc lò xo áp lực bao lâu nay trong lòng nữ thần đồng phút chốc không thể kìm nén được nữa và bật tung ra...
Trong lá thư tuyệt mệnh, Tiểu Đàm viết: "Mọi người đối với tôi đều kỳ vọng rất cao, xin lỗi, để mọi người thất vọng rồi".
Không chỉ vậy, cô bé còn nhắc đến việc "trong trường học luôn chịu áp lực cực lớn" và "cảm giác rất mệt, rất mệt".
Sau cái chết của Tiểu Đàm, bố mẹ cô bé mới ân hận, nhận ra hậu quả của việc kỷ luật thép, ép con sống theo kỳ vọng của mình.
Tuy nhiên, mọi việc bấy giờ đã quá muộn. Theo Nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu (công tác Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc), thần đồng kỳ thực là một nhóm có nguy cơ mắc vấn đề tâm lý rất cao.
Đặc biệt là những đứa trẻ thông qua nỗ lực phi thường mà được gọi là thần đồng thì càng chịu áp lực tâm lý hơn.
Bởi càng dành nhiều thời gian vào học tập thì các em sẽ càng mất đi khoảng thời gian cho việc vui chơi, học tập các kỹ năng sống,.. Tình trạng này tiếp diễn trong một thời gian dài sẽ dẫn đến sự u uất trong tâm lý.
Tôn Vân Hiểu nói rằng với những vấn đề tâm lý này cần rất chú ý. Bởi lẽ ở tuổi thanh xuân, những xung động tâm lý rất mạnh, không trải qua suy nghĩ chín chắn có thể làm ra những hành động cực kỳ bột phát. Trường hợp của Đàm Dao là một ví dụ điển hình.
Thực tế, Tiểu Đàm không phải là trường hợp "thần đồng gãy cánh" duy nhất ở Trung Quốc. Trước đó, từng có trường hợp của Ninh Bạc - một thần đồng lừng danh nhưng phải đi tu vì áp lực của gia đình, xã hội.
Hay trường hợp của thần đồng Tiền Chính - từng được nhận vào Đại học Princeton năm 16 tuổi nhưng cuối cùng mắc bệnh tâm thần và thất nghiệp vì từ nhỏ đến lớn luôn bị ép học mà không được dạy bất kỳ kỹ năng sống nào.
Điều này dẫn đến việc anh bị rối loạn về tâm lý, IQ có thừa nhưng EQ lại thiếu hụt.
Theo Thanh Hương (Phụ Nữ Việt Nam)