Trang 163 đưa tin, hôm 5/7, một số ngư dân tại Uy Hải, Sơn Đông, Trung Quốc khi lái thuyền ngang qua một hòn đảo hoang thì bất ngờ nghe thấy tiếng gọi cầu cứu của một bé gái. Đây là hòn đảo hoang sơ, không có điện và nước ngọt, cũng không có ai ở. Vì sao cô bé này lại đến được tận đây? Lo sợ bé gái có chuyện, các ngư dân nhanh chóng gọi điện báo cảnh sát đến hỗ trợ.
Sau khi cảnh sát địa phương đến hòn đảo, họ phát hiện bé gái này thực tế không phải ở đây một mình mà trên đảo còn 3 người lớn khác. Hai người trong số đó là bố mẹ của bé gái.
Cô bé 13 tuổi nhìn thấy cảnh sát liền khóc nghẹn ngào nói: "Bố mẹ ép cháu học cách sống sót trên đảo hoang. Cháu không thể chịu nổi, chỉ muốn về cuộc sống bình thường".
Khi được hỏi vì sao lại đưa con gái đến đảo hoang sống. Bố mẹ cô bé cho biết nguyên nhân chính vì họ quá bất lực, không thể dạy dỗ nổi con. Bố của bé gái chia sẻ, cô bé đã bỏ học hơn 1 năm nay. Bình thường ở nhà, cô bé rất lười biếng và ham chơi, mọi việc đều cần đến sự phục vụ của mẹ.
Dạo gần đây thấy tính khí con gái thất thường, có hành vi nổi loạn, bố mẹ cô bé sợ rằng con có vấn đề về tâm lý nên đã quyết định đưa con đến môi trường khắc nghiệt để rèn giũa tính cách cũng như nâng cao kỹ năng sống.
Để sống ở đảo hoang, bố mẹ của bé gái đã chuẩn bị một số thức ăn khô, nước uống, thậm chí còn thuê một người huấn luyện chuyên nghiệp đi theo để đảm bảo an toàn cho mọi người. Dưới cái nắng nóng mùa hè vô cùng gay gắt và khắc nghiệt, họ đã trải qua được 2 ngày đêm sống trên hòn đảo hoang vu không điện, không wifi, không có bất cứ cơ sở vật chất hiện đại nào.
Đến ngày thứ 3, cô bé 13 tuổi gần như tuyệt vọng, không thể chịu đựng thêm được nữa nên đã hét lên kêu cứu khi thấy thuyền ngư dân đi ngang qua.
Hôm 10/7, cảnh sát Uy Hải cho biết, mặc dù ý định ban đầu của hai vợ chồng này là muốn tốt cho con gái, tuy nhiên cách làm của họ là đặc biệt nguy hiểm, có khả năng khiến cả 3 rơi vào tình huống hiểm nghèo. Trên một hòn đảo không có bóng người và không có bất cứ loại cơ sở vật chất nào, thứ mà gia đình này mang theo chỉ là ít lương khô và nước uống. Họ cũng không chuẩn bị thuốc men hay các vật dụng y tế cần thiết khác.
Sau khi được cảnh sát khuyên giải tận tình, cặp vợ chồng cuối cùng đã đồng ý cùng con gái quay trở lại đất liền. Cặp đôi cho biết dù chỉ mới ở trên đảo 2 ngày nhưng họ đã thấy con gái mình có sự thay đổi rõ rệt. Ít nhất là cô bé đã tự tìm cách cầu cứu ngư dân, chịu giao tiếp với người lạ. Điều này cho thấy chuyến đi này của họ là không uổng phí.
Cách đưa con lên đảo hoang để huấn luyện của cặp phụ huynh này đã vấp phải ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Không thể phủ nhận sự vất vả của các bậc cha mẹ trong sự nghiệp giáo dục con cái. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng bố mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua vấn đề tâm lý của con cái, nhất là những đứa trẻ đang trong độ tuổi nổi loạn. Việc dùng các phương pháp giáo dục ép buộc và quá cực đoan chỉ khiến cho hành vi của con cái thêm tiêu cực.
Bên cạnh đó, một số người nhận định rằng tính cách của đứa trẻ không thể tách rời khỏi sự giáo dục của gia đình. Có lẽ trong trường hợp này, cách giáo dục của bố mẹ cô bé không thật sự phù hợp và việc cần thay đổi không phải là đứa con gái mà chính là tư tưởng giáo dục của họ.
Theo Song Kỳ (Pháp Luật & Bạn Đọc)