Thảm họa cháy rừng ở Úc đang trở thành nỗi đau của người dân nước này. Theo thống kê tại Đại học Sydney, tính đến hôm qua đã có hơn 500 triệu cá thể động vật xác nhận đã chết. Ước tính mỗi phút trôi qua có hơn 12 cá thể động vật tử vong, mỗi phút con người cảm nhận được sự bình yên thì trong lúc này thì ở Australia hàng ngàn con vật đang gào thét trong tuyệt vọng.
Giữa những thông tin tiêu cực thì ngày 6/1, người dân đón nhận tin vui. Đó là những cơn mưa được ví quý như vàng tiếp tục trút xuống miền nam nước Úc , kéo nhiệt độ từ ngưỡng hơn 40 độ C xuống còn khoảng 20 độ C.
Được biết, mưa tiếp tục trút xuống khu vực từ Sydney cho tới Melbourne thuộc bang New South Wales và Victoria trong ngày 6/1. Đây cũng là hai bang chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt cháy rừng lần này.
Các cơn mưa trong hai ngày liên tiếp đã góp phần kéo giảm nhiệt độ từ 40 độ C xuống còn khoảng 20 độ C. Mặc dù vậy, giới chức Úc tỏ ra lo ngại trước cảnh báo nhiệt độ có thể tăng mạnh trở lại vào giữa tuần này.
Nói về tình hình này, thủ hiến bang New South Wales, ông Gladys Berejiklian cảnh báo sáng 6/1 chia sẻ: "Giờ không phải là lúc để tự mãn và mất cảnh giác. Vẫn còn hơn 130 đám cháy nữa đang hoành hành trên khắp bang này".
Theo ông Berejiklian, trước mắt cần phải tranh thủ tận dụng những cơn mưa làm dịu mát không khí để sơ tán những người đang bị mắc kẹt, trước khi tình hình phức tạp trở lại.
Về hậu quả của thảm họa cháy rừng, hiện tại có ít nhất 24 người thiệt mạng, hơn 1.000 ngôi nhà đã bị phá hủy tính đến ngày 6/1. Chất lượng không khí ở thủ đô Canberra của Úc bị xếp vào nhóm tệ nhất thế giới do khói bụi cháy rừng.
Chính phủ liên bang Úc ngày 6/1 thông báo sẽ dành ít nhất 2 tỉ AUD (khoảng 1,36 tỉ USD) cho các hoạt động khắc phục hậu quả cháy rừng trên cả nước.
Sau thảm họa cháy rừng Amazon, cháy rừng tại Úc đang thu hút sự chú ý tại nhiều nước. Một số quốc gia láng giềng Úc như New Zealand, Vanuatu và Papua New Guinea đã đề xuất sẵn sàng hỗ trợ nước này dập tắt các đám cháy rừng lớn ở các bang New South Wales và Victoria.
New Zealand đã cử 3 trực thăng chữa cháy cùng khoảng 150 lính cứu hỏa hỗ trợ Úc kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape khẳng định 1.000 binh sĩ và lính cứu hỏa Papua New Guinea sẽ sẵn sàng lên đường ngay khi Thủ tướng Úc Scott Morrison lên tiếng đề nghị.
Ngoài ra, chính phủ Úc dành gần 1,4 tỷ USD cho các hoạt động khắc phục hậu quả cháy rừng trên cả nước và đảo quốc Vanuatu cam kết chi 150.000 USD để hỗ trợ cho Lực lượng cứu hỏa nông thôn Australia.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Scott Morrison cho biết khoản tiền trên sẽ được cấp cho cơ quan khắc phục hậu quả cháy rừng quốc gia mới được thành lập để sử dụng trong vòng hai năm tới cho việc tái thiết lại các khu vực bị cháy rừng tàn phá.
Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các bang và địa phương trong việc dựng lại cầu, đường và cơ sở hạ tầng quan trọng khác, cũng như thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác, bao gồm cả hỗ trợ sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Về phía người Việt tại Úc, nhiều người đón năm mới không yên vì tình trạng thảm họa cháy rừng ngày càng gia tăng. Trả lời báo Thanh Niên, cô Nguyễn Duy Hiên cho biết: "Chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế ra đường và tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng khẩu trang có lọc khói".
Với giá 10 - 30 AUD (160.000 - 480.000 đồng), khẩu trang có lọc khói trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua nhất và một số siêu thị không kịp đáp ứng nhu cầu. "Tôi luôn đeo khẩu trang mỗi lúc đi ra ngoài đường nhưng thật sự vẫn không chịu đựng được mùi khói nồng nặc".
Theo Đỗ Quyên (Giadinh.net.vn)