Đám cháy bắt đầu bùng phát ở Australia từ tháng 11/2019 đến đầu tháng 1 năm nay, thiêu rụi hơn 6 triệu ha đất, trong khi chính phủ không thể kiểm soát được tình hình. Không chỉ thiệt hại về con người, nhiều loài động vật ở nước này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.
Thời tiết hanh khô và gió lớn đã khiến hơn 200 đám cháy vẫn đang bùng phát trên toàn bang New South Wales và Victoria. Thống kê cho thấy cho tới nay, 24 người xác nhận thiệt mạng. Hàng nghìn người bị mắc kẹt ở các thị trấn ven biển vẫn chưa thể trở về nhà.
Ngoài ra, hơn 10 triệu người trên khắp Australia đang phải hít thở bầu không khí độc hại do khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy rừng bao trùm bầu trời.
Riêng tại bang New South Wales, thông báo từ Cơ quan Dịch vụ Cứu hỏa nông thôn bang này (RFS) cho biết trong ngày 2/1, có 113 đám cháy vẫn tiếp tục bùng phát trên phạm vi toàn bang, với mức cảnh báo nguy hiểm và cháy nổ ở ngưỡng cao nhất. New South Wales đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 trong vài tháng gần đây. Hai lần trước là vào tháng 11 và tháng 12/2019, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Ngày 2/1, hàng ngàn người đã phải sơ tán khỏi bờ biển phía nam của bang New South Wales.
Ngay tại thủ đô Canberra, các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em, cửa hàng, bảo tàng và các địa điểm vui chơi, giải trí đều đóng cửa do chỉ số chất lượng không khí đo được đã vượt gấp 22 lần so với mức bị coi là nguy hại.
Ảnh hưởng bởi đám cháy, khoảng 4 triệu ha cánh đồng bị thiêu rụi và 1.500 nhà dân cùng hàng nghìn cơ sở vật chất khác bị phá hủy.
Thậm chí, tình trạng cháy rừng vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn khi nhiệt độ tại Australia đã phá vỡ các kỷ lục và dự báo còn tiếp tục tăng vào dịp đầu năm mới. Ngày thứ Sáu trước lễ Giáng sinh đã trở thành ngày nóng nhất tháng 12 ở nước này kể từ năm 1950, với nhiệt độ lên đến 47,9OC tại trạm khí tượng Horsham, thuộc bang Victoria.
Hiện tại có thể nói rằng, trên bờ là chảo lửa, dưới biển là "nồi lẩu", nạn cháy rừng do nắng nóng vẫn tiếp diễn, đe dọa nghiêm trọng đời sống của các loài động vật, bao gồm nhiều loài biểu tượng Australia.
Nhiều động vật đe dọa bị tuyệt chủng
Trang Insider.com cho biết, các nhà sinh thái tại Đại học Sydney ước tính có đến 480 triệu động vật có vú, chim và bò sát đã chết trong các vụ cháy rừng trên khắp Australia. Trong đó, có đến 8.000 con gấu Koala cháy thành than vì hỏa hoạn. Gấu Koala một trong những động vật có tính biểu tượng ở Australia, đóng góp từ 1,1 đến 2,5 tỷ USD mỗi năm cho ngành du lịch nước này.Các loài động vật khác sống trong khu vực cháy như chuột túi Kangaroo, Wallaby, chồn Possum, gấu túi mũi trần và Echidnas cũng đã không thể sống sót.
Gấu Koala có nguồn gốc từ Australia và là một trong những loài động vật được yêu thích nhất đất nước, nhưng đã bị đe dọa do mất môi trường sống. Nhưng cháy rừng đã tàn phá bang Nam Australia cũng như bờ biển phía đông lục địa trong ba tháng qua, khiến ít nhất 2.000 con Koala thiệt mạng.
Không giống như kangaroo, chim hay rắn, koala không biết chạy trốn. Thay vào đó, chúng leo lên cây và cuộn mình lại chờ nguy hiểm qua đi.
Từ đó, hơn 95% tảo bẹ khổng lồ - loại tảo cao gần 10m là nơi sinh sống của một số sinh vật biển hiếm nhất trên thế giới - đã chết. Tảo bẹ khổng lồ từng có mặt ở khắp dài bờ biển phía đông của Tasmania. Giờ đây, chỉ còn một mảng tảo bẹ nhỏ gần Southport, cực nam của hòn đảo, nơi nước lạnh hơn.
Thời tiết hanh khô và gió lớn đã khiến hơn 200 đám cháy vẫn đang bùng phát trên toàn bang New South Wales và Victoria.
Theo Pha Lê (Báo Dân Sinh)