Ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu dịch. Để khống chế sự lây lan của virus, hơn một tuần qua, nhiều tỉnh thành phố đã kịp thời ban hành các biện pháp kiểm soát. Quá trình này được truyền thông quốc tế theo sát và đưa tin.
Hãng thông tấn Reuters ghi nhận Bộ Y tế đã cử thêm nhiều chuyên gia đến thành phố Đà Nẵng.
"Việt Nam cũng bắt đầu xét nghiệm nCoV hàng loạt tại thủ đô Hà Nội, cấm tụ họp đông người và kêu gọi hàng chục nghìn du khách nội địa báo cáo hành trình di chuyển với chính quyền. Cả nước đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của virus", phóng viên Reuters viết.
Hãng tin này điểm lại lực lượng "tinh nhuệ" được điều động vào thẳng tâm dịch, bao gồm 1.000 nhân viên y tế, trong đó 65 chuyên gia từng làm việc trên tuyến đầu ở đợt bùng phát thứ nhất, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4.
Trong bài đăng khác, Reuters nhắc lại những thành công của Việt Nam khi ứng phó làn sóng Covid-19 đầu tiên. Hãng này ca ngợi: "Đất nước đã kiểm soát đợt bùng phát đó nhờ một hệ thống theo dõi chủ động, chương trình kiểm dịch tập trung, giữ số ca nhiễm dưới 500, không có trường hợp nào tử vong".
Tờ Asia Times trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi người dân hãy cảnh giác như hồi tháng 3 và tháng 4, cho rằng làn sóng mới có thể nguy hiểm hơn rất nhiều.
Theo nhận định của Asia Times, Việt Nam từng được coi là một hình mẫu trong cuộc chiến chống lại Covid-19. "Hà Nội đã phản ứng nhanh hơn nhiều so với nhiều khu vực Đông Nam Á khác bằng cách đóng cửa biên giới với Trung Quốc hồi tháng 1 và tạm thời cho học sinh nghỉ học".
Tờ báo cũng cho rằng chính phủ Việt Nam đầu tư tốt vào công nghệ y tế, bao gồm thiết bị xét nghiệm, được sản xuất với giá cả hợp lý.
Tác giả bài viết cho rằng các địa phương đã học hỏi kinh nghiệm từ thành công lẫn nhau.
"Cuối tuần, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã lặp lại các biện pháp tương tự Hà Nội hồi phát hiện ‘bệnh nhân 17’, ngày 6/3. Lệnh giãn cách xã hội đưa ra trong vài giờ, các bệnh viện và khách sạn được khử trùng, tất cả chuyến đi ra vào thành phố đều được truy vết", báo này đưa tin.
Trích lời thạc sĩ Phương Phạm, Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Queen Mary, London, Asia Times cho biết hầu hết người dân Việt Nam tự tin rằng chính phủ có thể kiểm soát ổ dịch. "Song điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm sâu sắc đến đợt bùng phát gần đây".
New York Times cũng đề cao công tác tái phản ứng Covid-19 ở Việt Nam. Tờ báo đồng thời ghi nhận chính phủ đã "đối phó với làn sóng mới của virus một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, tương tự hành động của họ trong những ngày đầu tiên của đại dịch".
Theo Thục Linh (VnExpress.net)