Câu chuyện Mỹ - LX suýt đánh nhau trở thành ý tưởng cho phim "Nước Đức 1983" |
NYT mở đầu thông tin bằng câu chuyện của Jorge Winger, một quân nhân Tây Đức, có nhiệm vụ nghe lén các cuộc liên lạc quân sự của Liên Xô.
Hồi tháng 12.1988, Winger rụng rời khi nghe một thông tin: người Nga gọi đích danh anh để gửi lời chúc mừng Giáng sinh. Winger nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi biết rằng chúng tôi có gián điệp trong căn cứ”.
Winger cùng vợ tìm đến sự tư vấn của nhà sử học Klaas Voss ở Viện nghiên cứu xã hội Hamburg (Đức), ông này cung cấp một chuyện kinh hoàng hơn:
Năm 1983, xem ra người Nga nhận định rằng cuộc tập trận “Cung thủ tài năng” là vỏ bọc để NATO tấn công hạt nhân các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw. Nên Liên Xô cũng sẵn sàng đánh phủ đầu hoặc phản công bằng vũ khí hạt nhân.
Nhà sử học Voss cùng vợ chồng Winger chỉ biết câu chuyện này, chứ không biết đến tài liệu mật được chính phủ Mỹ công bố hồi tháng 10.2015: một tài liệu phân tích chiến dịch “Cung thủ tài năng” và phản ứng của Nga, cho thấy suýt xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường, 21 năm sau vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
Bản phân tích của Hội đồng cố vấn tin tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ lập ngày 15.2.1990, đề cập chuyện Mỹ và Liên Xô suýt đánh nhau "lạnh cả gáy" năm 1983.
Báo cáo nêu người Nga có quyết định sẵn sàng phản công bằng vũ khí hạt nhân, sau khi đã nạp khoảng 40.000 thông số vào một máy điện toán, nhằm dự báo một cuộc tấn công hạt nhân sẽ xảy ra thế nào.
Báo cáo cũng nêu tình báo Liên Xô rõ ràng “có người chỉ điểm” cuộc tập trận “Cung thủ tài năng”.
Báo cáo kết luận sự thật là khối quân sự Hiệp ước Warsaw phản ứng với “Cung thủ tài năng” là chưa hề có về tầm mức, “mạnh mẽ nhắc chúng ta rằng lãnh đạo Liên Xô có thể rất quan ngại việc Mỹ có thể dùng Able Archer 83 làm vỏ bọc cho một cuộc tấn công thật sự” và “lực lượng quân Liên Xô đã sẵn sàng đánh phủ đầu hoặc phản công cuộc tấn công của NATO với vỏ bọc là Able Archer”.
Báo cáo nêu: “Tình hình này có thể cực kỳ nguy hiểm, nếu trong cuộc tập trận - có lẽ qua một số sự trùng hợp không đúng lúc hoặc vì tin tình báo sai - Liên Xô có thể hiểu lầm các hoạt động của Mỹ là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công thật sự”.
Báo cáo dẫn lời nhận xét của Tổng thống Ronald Reagan: “Thật đáng sợ”, hồi tháng 6.1984, sau khi ông đọc những thông tin về sự sẵn sàng đương đầu của Liên Xô từ báo cáo của giám đốc CIA William J. Casey.
Hội đồng cố vấn tin tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ đã biên tập lại rất kỹ tài liệu này trước khi giải mật hồi tháng 10 năm nay, tức 11 năm sau khi nhận đề nghị giải mật của tổ chức phi chính phủ Hồ sơ an ninh quốc gia (thuộc đại học George Washington) chuyên tập trung về sự minh bạch của các chính phủ Mỹ.
Tài liệu mật này được công bố, vào lúc quan hệ Mỹ - Nga lại căng thẳng.
Trong khi đó, chuyên viên nghe lén Winger ngày xưa, nay là một nhà sản xuất phim truyền hình. Ông cùng vợ Anna LeVine Winger (một nhà văn người Mỹ) chuyển câu chuyện ông nhận lời chúc mừng Giáng sinh của người Nga năm 1988, thành một bộ phim truyền hình 8 tập có tựa “Nước Đức năm 1983” (Deutschland 83).
Điệp viên Đông Đức Martin trong phim "Nước Đức năm 1983" |
Bộ phim đã chiếu ở Mỹ hồi tháng 6 và dự kiến chiếu ở Đức vào cuối tháng 11. Nội dung phim nói về Martin, một thanh niên Đông Đức 24 tuổi, bị cơ quan mật vụ Staci của Đông Đức ép trở thành điệp viên.
Martin được giao một nhiệm vụ nguy hiểm: lấy tên tuổi người khác để trở thành trợ lý của một tướng Tây Đức chịu trách nhiệm ngăn chặn hạt nhân của NATO.
Theo Bích Ngọc (Một Thế Giới)