Trong đình Tân Thông tại quê nhà Thủ tướng (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) có bức bình phong ghi khắc câu đối do chính ông Phan Văn Khải viết: "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già".
Sống bình dân, giản dị
Mỗi buổi sớm, đình Tân Thông vẫn mở cửa, các cao niên trong làng tề tựu đầy đủ về đình uống trà nói chuyện.
Gần ba tháng nay, trong những buổi trà, thiếu vắng ông Hai Khải (tên thân mật người dân trong làng gọi nguyên Thủ tướng). Hỏi về ông Khải, những người cao niên thay nhau kể đủ chuyện gắn bó của ông với dân làng.
Nhấp ngụm trà, ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi) - bạn học thuở thiếu thời với ông Hai Khải kể hồi nhỏ ông Khải sống với ông ngoại.
Những ngày tuổi thơ cơ cực, ông Khải thường theo chân ngoại cắt cỏ, chăn trâu, bắt cá. Ông cùng ngoại làm đủ nghề để kiếm cái ăn và được đến trường. Cuộc đời gian khổ, cho đến khi ông lớn lên rồi giác ngộ rời làng đi theo cách mạng.
Nghỉ hưu về lại quê hương, ông không quên những tháng năm cơ cực. Ông sống hòa mình với bà con chòm xóm, khoảng cách Thủ tướng và người dân ngày càng gần gũi, thân tình.
Hằng ngày ông làm vườn, trồng đủ thứ cây quả. Đến khi cây ra trái, ông lại hái biếu bà con gần nhà. Trong làng có người đau ốm hay qua đời, ông đều ghé thăm hỏi. Nhà có tiệc gì, ông Hai Khải cũng mời bà con, chòm xóm đến chơi.
"Ông sống bình dân, từ con trẻ đến người già đều mến. Từ ngày nghe tin sức khỏe ông Hai Khải xấu đi, dân trong làng hồi hộp ngóng tin như người thân mình đau ốm", ông Khỏe tâm sự.
Ngôi đình khang trang, chỗ ông Khải và các cao niên trong làng ngồi uống trà mỗi sáng cũng do chính ông ủng hộ tiền cất lại ngôi đình trên nền đất cũ.
Ông Nguyễn Văn Hưng (75 tuổi) - người giữ đình Tân Thông từ sau năm 1975 đến nay kể ngôi đình không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là cơ sở cách mạng của nhân dân trong làng.
Những năm tháng chiến tranh, bom dội phá nát ngôi đình. Mái đình gãy nát, chỉ còn trơ trọi vài ba viên ngói âm dương.
Sau 1975, dân trong làng chỉ tạm che mưa, chống nắng để người dân có nơi chiêm bái linh thần. Trước khi dựng lại đình, ông Khải tự đi lên Tây Ninh xin cây sao dầu về cho dân trong làng trồng thành hàng thành lối xung quanh sân đình.
Người dân cặm cụi trồng mà không biết ông muốn làm gì. Sau này mọi người mới biết ông trồng hàng cây để có chỗ ngồi mát trò chuyện với dân làng hằng ngày.
Lúc còn khỏe, cứ buổi sáng, ông Khải lên uống trà nói chuyện cùng mấy cao niên trong làng. Mỗi sáng hai tiếng, vừa uống trà, ông Khải trò chuyện với các cao niên đủ chuyện về thời thơ ấu, chuyện làng xã, con cái học hành...
Từ ngày ông Khải đi chữa bệnh, gần ba tháng nay, những buổi trà sớm vắng bóng ông. Câu chuyện của dân làng cũng quay sang ngóng tin sức khỏe của ông.
"Ngày lễ đình, ông thương dân nên đặt cho dân hai suất hát cải lương. Nhưng từ nay ngày lễ đình thiếu vắng ông mãi mãi rồi", ông Hưng ngậm ngùi.
Khuyến khích con em học tập
Về với làng quê nghèo khó, ông Khải còn khuyến khích con em của các hộ dân trong làng cố gắng học hành. Con em trong làng học giỏi nhưng chưa có việc làm, ông tìm cách giúp đỡ tìm việc. Gia đình em nào hoàn cảnh khó khăn, ông động viên bằng những "học bổng" hỗ trợ suốt thời gian theo học.
Ông Nguyễn Văn Trung (49 tuổi), kể năm 2010, ông có con gái đậu đại học nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không đủ điều kiện cho con đi học.
Hôm trước uống trà ông còn mừng khoe với ông Khải việc con đậu đại học. Buổi sau, ông đã thở dài kể về hoàn cảnh nghèo phải cho con nghỉ học. Nghe chuyện, ông Khải đã hỗ trợ tiền cho con ông Trung trong bốn năm. Ra trường, ông còn giới thiệu xin việc cho cháu.
"Không chỉ gia đình tôi, dân trong làng nhiều người mang ơn bác Khải lắm, có ông nhiều cháu ở làng mới ăn học có việc làm đầy đủ", ông Trung tâm sự.
Theo Tiến Long (Tuổi Trẻ)