Mỗi khi băng Quỷ Nhỏ xuất hiện trên các góc phố ở Naples, Italy, chúng đều gây huyên náo và sẵn sàng gây sự với bất cứ ai, tạo ra cảm giác khiếp sợ cho người dân thành phố. Tuy mới chỉ là những đứa trẻ mới lớn, chúng đại diện cho một thế hệ mafia mới nổi ở Italy với những thủ đoạn, cách thức hoạt động được biến tướng theo sự bùng nổ công nghệ của thời đại.
“Chúng tôi gọi chúng là những đứa con của quỷ”, Giuila Orfanelli, nữ hầu bàn một quán cà phê tại khu Chiaia nổi tiếng của Naple, nói. “Tôi không nói chúng xấu xa, nhưng chúng hành xử không theo một quy tắc nào. Đó là kiểu hành xử tội lỗi và gây ra nhiều rắc rối cho tôi”.
Đám trẻ này đến quán, chỉ gọi một cốc cà phê và ngồi đó tụ tập suốt đêm, liên tục gọi thêm nước lọc, hút thuốc và vẩy tàn thuốc bừa bãi, nhả khói vào mặt những khách hàng khác trong quán và sẵn sàng sinh sự nếu có ai đó phản ứng. Các chuyên gia xã hội học cho rằng băng Quỷ Nhỏ là một biểu hiện cho “sự soán ngôi của đám trẻ” trong giới giang hồ ở Italy.
Cách đây vài thập kỷ, những thanh niên mới lớn như vậy ở Italy được gọi là “muschilli” (ruồi), chỉ đóng vai trò là những tay bán ma túy vặt được các ông trùm mafia sử dụng để tránh gặp rắc rối với cảnh sát. Trong các băng nhóm mafia khét tiếng, những “con ruồi” này gần như vô hình, hiếm khi lộ diện và dễ dàng bị các ông trùm vứt bỏ.
Những “con ruồi” này phải đạt độ tuổi tối thiểu nhất định để được chính thức gia nhập băng nhóm và thực hiện vụ giết người đầu tiên để lấy số má. Nhưng ngày nay, khái niệm muschilli không còn tồn tại nữa, khi những đứa trẻ có vai trò ngày càng lớn hơn trong các băng đảng mafia, phá vỡ mọi luật lệ được đặt ra, thường xuyên khoe “chiến tích” trên mạng xã hội và gieo rắc thêm kinh hoàng cho những người xung quanh.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều ông trùm mafia phải ngồi tù trong các chiến dịch truy quét của cảnh sát, những chỗ trống mà chúng để lại nhanh chóng được lấp đầy bởi các tay chân trẻ hơn, ngang tàng hơn, trong đó nhiều kẻ mới chỉ là trẻ vị thành niên.
“Các gia tộc mafia truyền thống ở Naples đều gần như mất hết lãnh đạo khi họ phải ngồi tù hoặc trở thành nhân chứng của cảnh sát, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của thế hệ giang hồ mới”, Felia Allum, nhà nghiên cứu về tội phạm có tổ chức tại Đại học Bath, nói. “Chúng chỉ là những thiếu niên 17, 18 tuổi nhưng đầy tham vọng lập số má theo cách thức hoàn toàn mới”.
Điển hình trong số này là Emanuele Sibillo, kẻ tự lập ra và cầm đầu một băng đảng mafia ở Naple khi chỉ mới 18 tuổi. Sibillo bị bắt lần đầu tiên khi 15 tuổi, trong một cuộc đột kích của cảnh sát vào ngôi nhà ở quận Forcella, nơi cậu ta đang loay hoay tìm cách giấu hai khẩu súng.
Vài năm sau đó, Sibillo thường xuyên vào tù ra tội. Trong đám tù nhân trẻ, Sibillo nổi bật nhờ khả năng đọc sách báo và nhận được sự kính trọng của các bạn tù. Khi tròn 18 tuổi vào năm 2013, thanh niên này chuẩn bị cho một “cú nhảy lớn” trong đời mình, đó là phát động một cuộc nổi loạn chống lại “cánh già” trong giới mafia ở Naples để kiểm soát toàn bộ thành phố.
Sibillo tập hợp đám đàn em loai choai 15-16 tuổi, luôn mang theo súng bên người và không ngần ngại khoe khoang các phi vụ trên mạng, ngang nhiên đối đầu với các băng đảng lớn khác. Khi bị kẻ thù truy sát, Sibillo đã nhảy vào một chiếc xe cảnh sát bên đường để thoát thân. Giới mafia Naples gọi những băng đảng như của Sibillo là “cá hổ”, loài cá ăn thịt nổi tiếng hung dữ ở Nam Mỹ.
Hiện tượng này được nhà văn Italy Roberto Saviano đề cập trong tiểu thuyết La Paranza Dei Bambini năm 2016 và được chuyển thể thành bộ phim The Piranhas, kể về cậu bé Nicola đến từ khu ổ chuột Rione Sanita của thành phố Naples quyết định bước vào “hệ thống”, từ dùng để chỉ giới mafia, để đổi đời.
“Ở những khu như Rione Sanita, trở thành giang hồ là cách duy nhất để có tiền, có quyền lực và được trọng vọng. Đứa trẻ nào ở đây cũng khao khát chờ đến thời khắc đó. Chúng cho rằng sự huy hoàng như vậy sẽ không thể đến nếu chúng chọn con đường khác”, Saviano nói. “Các băng đảng tội phạm là nơi duy nhất nhận ra sự tồn tại của những đứa trẻ đó và tiếp nhận chúng”.
Sự trỗi dậy của những đứa trẻ như Sibillo thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của mafia ở Naples. Trong khi các ông trùm trước đây thường náu mình trong bóng tối và duy trì “luật im lặng omerta” một cách triệt để, đám “cá hổ” ngày nay khoe khoang mọi thứ trên mạng xã hội, chụp ảnh cùng súng, quần áo đắt tiền và những chai rượu trị giá hàng trăm USD.
Để “giải quyết khâu oai” trên mạng, chúng diện những bộ quần áo đắt tiền, phóng xe máy bạt mạng trên đường phố như những đàn chó hoang và sẵn sàng dùng súng giải quyết vấn đề.
Sự nở rộ của thế hệ mafia trẻ tuổi này đã biến khu Rione Traiano trở thành nơi có số vụ nổ súng cao nhất tại Naples, đặc biệt là những vụ sát thủ cưỡi xe máy bắn chết người trên phố. Có những dịp các vụ nổ súng giết người diễn ra liên tục trong nhiều ngày, bất chấp các nỗ lực truy quét của cảnh sát.
Một người đàn ông bị bắn chết vào năm 2014 chỉ vì anh ta xin đám “cá hổ” này một điếu thuốc. Một người Ấn Độ bị bắn vào giữa ngực năm 2013 khi hai đứa trẻ trong một băng mafia “thử súng”. Một thành viên băng đảng trẻ tuổi dù bị cảnh sát theo dõi vẫn hồn nhiên thốt lên “Tao vừa có một khẩu Magnum 357 báng cao su mới, giống hệt khẩu của Al Capone!”
Năm ngoái, tòa phúc thẩm thành phố Naples đã kết án 42 thành viên hai băng “cá hổ” đến từ quận Forcella và Decumani với tổng cộng 500 năm tù. Maria de Luzenberger, công tố viên tại tòa án dành cho trẻ vị thành niên ở Naples, cho biết thế hệ mafia mới nổi ở thành phố này có đủ mọi thành phần. “Chúng thường là những đứa trẻ bỏ học từ sớm và cho rằng bạo lực, bắt nạt là cách duy nhất để thoát khỏi đường cùng. Cũng có một số đứa đi theo truyền thống gia đình mafia”, bà nói.
Nhà văn Saviano thì cho rằng sự trỗi dậy của đám “cá hổ” trong giới giang hồ ở Naples là sản phẩm của những chính sách xã hội tồi và sự thất bại của nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước, trong đó có các trường học.
Fabio Immediato, thanh niên 27 tuổi từng sống ở Naples, cho biết một khi đã dấn thân vào con đường này, những đứa trẻ dễ dàng bị lợi dụng để thực hiện những tội ác nghiêm trọng như giết người để tranh đoạt địa bàn. “Mafia có thể cho chúng tiền, xe hơi, quần áo đẹp và cả bạn gái để chúng làm mọi thứ. Chúng không cần học hành, cũng không cần phải để tâm tới nghề nghiệp”, Immediato nói. “Đó là cách chúng khởi đầu cuộc đời của mình”.
Bạo lực là cách nhanh nhất biến những đứa trẻ ở Naples thành “cá hổ” và giúp chúng leo lên vị trí ngày càng cao trong các tổ chức mafia, nhưng cũng là con đường ngắn nhất dẫn đến cái chết của chúng. Năm 2015, chỉ một thời gian ngắn sau khi được công nhận là “tiểu bố già” của quận Forcella, Sibillo bị bắn chết trong một cuộc tấn công đẫm máu của băng đảng đối thủ.
Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)