“Ma nữ” Italia: Từ bà nội trợ trở thành trùm mafia khét tiếng nhất mọi thời đại

15/05/2017 10:58:00

Cuộc đời đưa đẩy đã khiến một người phụ nữ Italia hiền lành trở thành nữ trùm trong giới xã hội đen, đứng đầu các cuộc tàn sát đẫm máu, buôn lậu và rửa tiền để rồi phải kết thúc đằng sau song sắt nhà tù.

Cuộc đời đưa đẩy đã khiến một người phụ nữ Italia hiền lành trở thành nữ trùm trong giới xã hội đen, đứng đầu các cuộc tàn sát đẫm máu, buôn lậu và rửa tiền để rồi phải kết thúc đằng sau song sắt nhà tù.

 
“ma nu” italia: tu ba noi tro tro thanh trum mafia khet tieng nhat moi thoi dai hinh anh 1

“Ma nữ” Raffaella D'Alterio bị cảnh sát bắt giữ ngày 26/6/2012

Nguy cơ suy tàn của một dòng tộc

Italia không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp nên thơ mà còn được cả thế giới ngầm biết đến khi là cái nôi của các tổ chức tội ác có quyền lực hùng mạnh toàn cầu. Trong đó, Camorra là “gia tộc” khiến cảnh sát bao phen bất lực bậc nhất tại quốc gia hình chiếc ủng này.

Băng đảng mafia khét tiếng Camorra là một trong những tổ chức tội phạm lớn và lâu đời nhất Italia, từng gây nên nỗi khiếp đảm với các cuộc tàn sát đẫm máu, buôn bán vũ khí, ma túy, tống tiền, cho vay nặng lãi hay cá cược. Theo thống kê, hơn 4.000 người đã bị Camorra sát hại trong vòng 30 năm.

Không giống cấu trúc của các tổ chức mafia khác với một nhân vật đứng đầu, Camorra gồm hơn 100 dòng tộc khác nhau hoạt động độc lập và quyền lực ngang nhau. Điều này khiến Camorra không bị lung lay khi những tên trùm đứng đầu bị bắt hoặc giết. Tuy nhiên, cũng vì thế mà ngay trong nội bộ băng đảng cũng thường xuyên diễn ra các cuộc xả súng, ám sát, thanh toán lẫn nhau giữa các dòng tộc.

Trong số hơn 100 dòng tộc ấy, Pianese được coi là môt trong những dòng tộc lớn mạnh nhất trong mạng lưới Camorra về số lượng, sức mạnh kinh tế và độ tàn nhẫn. Người đứng đầu Pianese chính là Nicola Pianese, một nhân vật máu mặt mà các đối thủ khác trong thế giới ngầm Italia hết sức dè chừng.

Bước ngoặt lớn của Pianese xảy ra vào năm 2006, khi Nicola Pianese bị bắn chết trong một âm mưu thanh toán lẫn nhau giữa các đảng phái, ở tuổi 45. Như “rắn mất đầu”, đế chế  Pianese hùng mạnh có nguy cơ tan rã.

Khi bà nội trợ… cầm súng

Trước tình cảnh này, không muốn công sức cả đời của chồng mình đổ xuống sông xuống biển, Raffaella D'Alterio từ một bà nội trợ theo đúng nghĩa đen đã đứng lên tiếp quản dòng tộc Pianese. Tuy nhiên, bà trùm này đã nhanh chóng chứng minh khả năng đáng nể của mình chẳng kém cánh mày râu. D’Alterio tham gia tất cả các hoạt động tống tiền, sản xuất tiền giả, buôn ma túy và được mệnh danh là “The Big Female Kitten” (Mèo cái lớn).

Năm 2009, D’Alterio bị chính đồng bọn bắn trọng thương do nhóm này tranh giành đường dây buôn bán ma túy bất hợp pháp béo bở mà D’Alterio kiểm soát phía nam thành phố cảng Naples. Raffaele, con trai D’Alterio, cũng bị thương trong cuộc tấn công.

“Việc làm vợ và con trai của một ông trùm khiến họ tự nhiên trở thành tội phạm hay cầm đầu một dòng tộc trong băng đảng”, luật sư Pasquale Russo của gia đình D’Alterio cho hay.

D’Alterio không ngừng thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với nhiều phe phái thuộc băng đảng Camorra trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, xử lý chất thải và xây dựng. Ước tính công ty của D'Alterio có doanh thu khoảng 218 tỷ USD/năm, thậm chí còn tham gia mua cổ phần để tái xây dựng Trung tâm thương mại New York. Tổ chức tội phạm này sở hữu mạng lưới quốc tế rộng lớn, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc buôn lậu ma túy, tầm ảnh hưởng lan rộng tới cả Anh và Mỹ.

D’Alterio và đồng bọn bị bắt do cáo buộc tống tiền, sở hữu vũ khí trái phép, cướp của và buôn bán ma túy. Bà cùng nhóm tội phạm cũng được cho là đã sử dụng bạo lực và đe dọa để giải quyết tranh chấp với phe đối lập xung quanh một vụ tống tiền và giao dịch tiền giả. Để bảo vệ vị thế của mình, D’Alterio dùng mọi thủ đoạn, kể cả giết người.

Bà cũng bị buộc tội xây dựng mối quan hệ với các dòng tộc khác trong Camorra, nhúng tay vào nhiều hoạt động của băng đảng. Tổ chức tội phạm này sở hữu mạng lưới quốc tế rộng lớn, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc buôn lậu ma túy, hàng giả, xử lý chất thải và xây dựng, tầm ảnh hưởng vang tiếng tới cả London, thậm chí là Mỹ.

Rạng sáng ngày 26/6/2012, Raffaella D'Alterio, khi đó 50 tuổi, đã bị bắt giữ cùng 65 nghi can khác sau một loạt cuộc tập kích của cảnh sát vũ trang. Lực lượng làm nhiệm vụ thậm chí còn phải sử dụng trực thăng và chó nghiệp vụ trong chiến dịch truy lùng này.

Cảnh sát cũng thu hồi tài sản và vật phẩm thuộc sở hữu của các nghi can, bao gồm các đại lý ôtô, quán bar, siêu thị, nhà, xe đua và tài khoản ngân hàng. Tổng giá trị những chiếc ôtô và tài sản thu hồi trong chiến dịch khoảng hơn 12,5 triệu USD.

Theo Huyền Anh (Dân Việt)