Bác Hồ và sự kiện phóng thử 144 quả "Kachiusa"

15/04/2016 11:57:22

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự buổi bắn thử phiên bản vác vai của pháo phản lực “Kachiusa” Grad-P (H-12) mà Liên Xô viện trợ cho quân đội Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự buổi bắn thử phiên bản vác vai của pháo phản lực “Kachiusa” Grad-P (H-12) mà Liên Xô viện trợ cho quân đội Việt Nam.
 
Liên Xô cung cấp phiên bản cá nhân "Kachiusa" cho Việt Nam
 
Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các vũ khí tên lửa mà Liên bang Xô viết viện trợ đã không chỉ được giao cho Quân đội nhân dân Việt Nam mà cả Lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ở ngoài Bắc là hệ thống tên lửa phòng không lừng danh S-75 Dvina, sau này đã lập những chiến công lẫy lừng thế giới khi bắn hạ tới hơn 1300 máy bay Mỹ, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Còn trong miền Nam, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhận được một loại vũ khí đáng gờm khác là các bệ phóng rocket tấn công mặt đất các nhân.

Đó là một phiên bản thu nhỏ của “Kachiusa” - tên gọi thân mật của loại pháo phản lực Xô viết lừng danh trong chiến tranh chống Đức quốc xã là BM-13 Katyusha.

Tuy nhiên, phiên bản này được thiết kế theo loại ống phóng của BM-21 Grad, gọi là Grad-P (tên Việt Nam là H12)

Vũ khí không được đặt trên các giàn ống phóng trên xe tải như nguyên bản, mà chỉ có 1 ống phóng bố trí trên các giá phóng ba chân, có tầm phóng lên tới 11km.
 

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với các hệ thống vũ khí Liên Xô

Đây là một một phương án vác vai của “Kachiusa”, để phù hợp với đặc điểm cuộc chiến tranh du kích và tác chiến quy mô nhỏ của Quân gải phóng, có khả năng cơ động rất cao, mang vác dễ dàng để tấn công những đòn bất ngờ, từ những khu vực không ai có thể ngờ tới.

Với các bệ phóng cá nhân dễ mang vác này, Quân giải phóng vẫn có thể tấn công với mật độ hỏa lực lớn nhưng từ nhiều địa điểm đặt súng khác nhau, thực hiện một hình thái tác chiến tiêu biểu của quân đội Việt Nam là “vũ khí phân tán, hỏa lực tập trung”.

Hoặc Quân giải phóng cũng có thể chỉ sử dụng 1 vài giá phóng trong những trận đánh nhỏ hoặc tập kích 1 điểm hỏa lực nào đó, tạo nên sự linh hoạt, bất ngờ trong tác chiến.

Những nòng pháo H12 đã theo chân lực lượng đặc công, pháo binh chiến trường dội lửa xuống căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng và đóng góp vào những chiến công lừng lẫy của quân đội nhân dân Việt Nam.

Lần đầu tiên, các bệ pháo rocket này được đưa đến Hà Nội vào mùa hè năm 1966. Trước khi vận chuyển tiếp vào phía Nam, các chuyên gia Liên Xô đã quyết định tiến hành một buổi bắn trình diễn với giới chức lãnh đạo quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Đến giờ hẹn, các vị tướng Việt Nam đã có mặt tại vị trí bắn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp lắng nghe báo cáo của Thiếu tướng Grigory Belov, lãnh đạo nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô và yêu cầu ông chờ một chút trước khi thực hành bài bắn.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khán bắn trình diễn Kachiusa
 
Vài phút sau, bất ngờ mọi người nhận thấy một chiếc xe Pobeda chạy lại chỗ mọi người đang tập trung và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trên xe bước xuống.
 
Vị chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam đích thân đến mục kích uy lực của loại vũ khí mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam.
 
Mục tiêu pháo kích có kích thước 400x400 mét. Bên trong khu đất vuông vức này là các đường hầm, công sự bê tông cốt thép, mô hình trực thăng và xe bọc thép, tương đương với một căn cứ phòng thủ kiên cố của địch.
 
Lực lượng chuẩn bị bắn trình diễn bao gồm một tiểu đoàn, với 12 giá phóng pháo phản lực, với cơ số đạn mỗi bệ là 12 viên đã được giao nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 8 cây số.
 
Chỉ trong vòng 15 phút, 12 bệ pháo phản lực đã thực hiện bắn 144 tên lửa về phía mục tiêu cần tiêu diệt.
 
Một chuyên gia Liên Xô mô tả cảnh tượng lúc đó là: “Những viên đạn bay đi không khác gì 20 năm trước từng hướng về phía phát xít Đức, với những đuôi lửa rực sáng, cùng tiếng gầm rít chói tai”.
 

Cận cảnh hệ thống roket cá nhân Grad-P (tên Việt Nam là H12)


Khi tiếng nổ đã lắng đi, tất cả mọi người có mặt cùng Chủ tịch nước đến kiểm tra địa điểm mục tiêu.
 
“Thực tế mà chúng tôi thấy thật là khủng khiếp. Đất phủ kín các đường hào và công sự bê tông, các mô hình thiết giáp vận và trực thăng bị phá hủy và thiêu cháy toàn bộ” - Tướng Belov hồi tưởng lại.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến về phía Thiếu tướng Belov, cảm ơn ông về buổi biểu dương sức mạnh của vũ khí Liên Xô và muốn ông truyền đạt tới các nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết đề nghị khẩn trương cung cấp những loại vũ khí mạnh mẽ cho Quân giải phóng miền Nam.
 
Đề nghị của Hồ Chủ tịch đã nhanh chóng được thực hiện, Moscow chuyển giao bệ pháo phản lực vác vai cho miền Bắc, rồi chúng ta dùng các con đường vận tải khác nhau chuyển loại vũ khí đầy uy lực này tới tay Quân Giải phóng miền Nam, cho đến khi giành được chiến thắng vào ngày 30-4-1975.
 
Khi Tướng Belov kết thúc chuyến công tác Việt Nam và chuẩn bị trở về quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng ông Huân chương Lao động Hạng Nhất và một khẩu súng lục.
 
Hiện nay, khẩu súng là một hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Trung ương Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
 
Theo Nhật Nam (Báo Đất Việt)