Trong thời cổ đại, cuộc sống của người dân đều kém xa so với những người vương quyền phú quý. Đặc biệt là trong những năm hạn hán, nhiều gia đình đã phải “bán con lấy đồ ăn” do thiếu thốn lương thực. Năm 45 trước công nguyên, trong một gia đình nhà nông ở ngoài thành Trường An sinh được một bé gái. Do gia đình nghèo khổ, cha mẹ cô bé đã quyết định bỏ rơi con gái. Nhưng 3 ngày sau, người mẹ của cô không nhẫn tâm bỏ rơi nên đã tới đó xem con của mình ra sao, kết quả phát hiện cô con gái sau 3 ngày không ăn không uống vẫn còn sống, đột nhiên vui mừng khôn xiết, lập tức ôm con chạy về nhà.
Người cha nhìn thấy con gái của mình vẫn còn sống thì cảm thấy cực kỳ ân hận, áy náy, ông tin đó là sự an bài của ông trời, thế nên đã đặt tên con là Triệu Nghi Chủ. Từ nhỏ, Triệu Nghi Chủ đã cực kỳ thông minh, lớn lên lại trở thành một đại mỹ nhân nổi tiếng gần xa. Sau này gặp được đợt Công chúa Dương A đi tuyển thị nữ, Triệu Nghi Chủ cũng đã đăng ký báo danh tham gia tuyển tú. Tuy Triệu Nghi Chủ không hề ôm nhiều hi vọng nhưng dựa vào nhan sắc tuyệt trần của mình đã lọt vào danh sách trúng tuyển.
Sau khi vào phủ công chúa, công chúa đã đổi tên khác cho Triệu Nghi Chủ là Triệu Phi Yến. Hàng ngày trong phủ được luyện tập múa hát lễ nghi, chỉ qua vài năm, Triệu Phi Yến đã không còn là một cô gái non nớt, ngây thơ nữa, từ lời nói đến cử chỉ đều cực kỳ điềm đạm trưởng thành, tài năng múa hát cũng vô cùng điêu luyện.
Một hôm, Hán Thành Đế ra ngoài du ngoạn, khi đi qua phủ của Dương A công chúa, tiện đường vào thăm. Để tiếp đãi Hán Thành Đế, công chúa đã cho Triệu Phi Yến và những người khác ra múa cho Hán Thành Đế xem. Khoảnh khắc khi Triệu Phi Yến bước ra, ánh mắt của Hán Thành Đế sáng rực lên, hậu cung 3000 giai lệ nhưng lại chẳng có ai xinh đẹp được như nàng.
Sự việc sau đó thế nào thì có lẽ mọi người cũng biết, Triệu Phi Yến được đưa vào trong hoàng cung, được phong làm phi tử. Sau này, Triệu Phi Yến lại đưa cả em gái là Triệu Hợp Đức vào cung để cùng nhau hầu hạ Hán Thành Đế. Dần dà, địa vị của hai chị em nhà họ Triệu cao lên một cách nhanh chóng. Khi Triệu Phi Yến 29 tuổi đã được Hán Thành Đế phong làm Hoàng hậu, trở thành chủ nhân danh chính ngôn thuận của hậu cung.
Vài năm sau, Hán Thành Đế đột ngột qua đời, hai chị em nhà họ Triệu bị chửi là hồng nhan họa thủy. Cô em gái Triệu Hợp Đức thấy áy náy, xấu hổ nên đã tự sát, còn Triệu Phi Yến trở thành Hoàng thái hậu. Sau khi Vương Mãng soán ngôi, thấy chướng mắt bởi những hành vi của Triệu Phi Yến nên đã hạ lệnh giáng Triệu Phi Yến làm dân thường, đi canh mộ cho Hán Thành Đế. Do không chịu đựng được sự đả kích này nên Triệu Phi Yến cũng đã lựa chọn tự sát.
Theo Vũ Phong (Công lý & Xã hội)