Lý Mục (290 trước Công nguyên - 229 trước Công nguyên) là mãnh tướng Trung Quốc có số phận bi thảm. Ông là danh tướng của nước Triệu thời Chiến Quốc, được triều đình giao trọng trách trấn thủ ở Nhạn Môn Quan, chống lại quân Hung Nô.
Là người cầm quân có tài thao lược, Lý Mục dùng kế “vườn không nhà trống” thành công khiến quân Hung Nô tràn vào thành rồi trở ra vì không cướp bóc được gì. Sau vài năm, quân Triệu do mãnh tướng Lý Mục chỉ huy ngày càng hùng mạnh tổ chức phản công quân Hung Nô. Theo đó, quân Hung Nô không dám xâm phạm biên giới nước Triệu.
Năm 229 trước Công nguyên, 10 vạn quân Tần chia 3 đường tiến đánh nước Triệu. Lý Mục được phong làm đại tướng quân chỉ huy binh sĩ đánh địch.
Tuy nhiên, do Triệu U Mục Vương nghe lời ly gián của một kẻ nịnh thần Quách Khai nên đã cách chức và xử tử mãnh tướng Lý Mục. Sau cái chết oan khuất của Lý Mục, năm 222 trước Công nguyên, nước Triệu diệt vong.
Hạng Vũ (232 trước Công nguyên - 202 trước Công nguyên) là một vị tướng nổi tiếng, có công lớn trong việc lật đổ nhà Tần. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, nhà họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở.
Là mãnh tướng gan dạ, dũng mãnh, thiện chiến, Hạng Vũ đã đánh bại và tiêu diệt được nhiều kẻ thù. Trong số này có việc Hạng Vũ từng dẫn quân chiếm được thế thượng phong, đánh bại 10 vạn quân Hán ở Bành Thành, bắt sống cả bố và vợ của Lưu Bang.
Tuy nhiên, cuối cùng, trong cuộc chiến tranh giành thiên hạ với Lưu Bang, Hạng Vũ đại bại do cùng lúc với đối đầu với 2 kẻ địch lớn là Lưu Bang và Hàn Tín.
Lực lượng do Hạng Vũ chỉ huy bị lực lượng của Lưu Bang truy sát, tháo chạy tới bờ sông Ô Giang. Rơi vào đường cùng, Hạng Vũ tấn công liều chết, tiêu diệt hàng trăm lính địch trước khi tự sát vì không muốn bị bắt sống
Một mãnh tướng có số phận bi kịch tiếp theo là Hàn Tín (229 trước Công nguyên - 196 trước Công nguyên). Ông là người có công lớn trong việc giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ trong cuộc tranh hùng Hán - Sở.
Không những vậy, Hàn Tín còn chỉ huy quân Hán diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, chiêu hàng Tề, giúp Lưu Bang có được một nửa giang sơn.
Do lập được nhiều đại công nên Hàn Tín bị Lưu Bang nghi kỵ, cảnh giác, đề phòng, tước ấn tín, lấy lại binh quyền rồi giáng xuống là Hoài Âm Hầu.
Vào năm 196 trước Công nguyên, lấy cớ Hàn Tín cấu kết với Trần Hy làm phản, Lã Hậu (tức vợ Lưu Bang) cho triệu mãnh tướng này vào cung. Ngay khi vừa vào cung, Hàn Tín bị quân lính bắt giữ rồi chém đầu ở cung Trường Lạc.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)