Nữ hoàng Elizabeth II là một trong những nhân vật được yêu thích nhất Vương quốc Anh và nổi tiếng trên toàn thế giới. Bà liên tục xuất hiện trong các sự kiện lớn, đi vào lịch sử với tư cách nữ vương trị vì lâu nhất. Ngoài dấu ấn trên, bà còn là nhà lãnh đạo đi công du nhiều nhất. Nhưng kèm theo đó, Nữ hoàng từng nhiều lần gặp nguy hiểm từ những kẻ có động cơ bất chính.
Australia, 1970
Năm 1970, Nữ hoàng Elizabeth II và chồng, cố Hoàng thân Philip, có chuyến công du đến Australia. Theo cựu thám tử Cliff McHardy, trong chuyến tàu từ Sydney đến Orange ở bang News South Wales ngày 29/4, Nữ hoàng suýt bị ám sát. Những sát thủ đặt một khúc gỗ trên đường ray xe lửa, nhằm làm đoàn tàu của Nữ hoàng trật bánh khi gần đến Lithgow. Trước đó một giờ, đoàn tàu khác đi thị sát đường tàu nhưng không phát hiện bất cứ thứ gì. Vì vậy, sự xuất hiện của khúc gỗ dấy lên nghi ngờ có kẻ chủ đích muốn gây tai nạn. Cuối cùng, vì tốc độ di chuyển của đoàn tàu quá chậm, cú đâm vào khúc gỗ không gây ra tác động nghiêm trọng nào. Trên thực tế, câu chuyện chỉ được công khai năm 2009, khi McHardy về hưu và kể lại. Ông tuyên bố khi đó, chính phủ che đậy câu chuyện để tránh khó xử.
Lễ diễu binh mừng sinh nhật Nữ hoàng, 1981
Trooping the Colour là cuộc diễu binh mừng sinh nhật Nữ hoàng được người dân Vương quốc Anh chờ đón mỗi năm. Vào ngày 13/6/1981, khi quần chúng đứng dọc theo đại lộ chính ngắm Nữ hoàng cưỡi ngựa đi qua, một loạt súng bỗng vang lên. Marcus Sarjeant - thiếu niên 17 tuổi - bắn 6 phát đạn từ khẩu súng lục, khiến ngựa của Nữ hoàng giật mình. Tuy nhiên, bà cố gắng trấn tĩnh ngựa cưng và đi tiếp. Ngay sau đó, Sarjeant bị bắt và đưa đi xét xử. Hắn thừa nhận muốn nổi tiếng và bắt chước vụ ám sát John Lennon xảy ra một năm trước đó. Thiếu niên 17 tuổi bị kết án 5 năm tù, theo Đạo luật về tội phản quốc bởi "cố ý xả súng nhắm vào với mục đích gây náo loạn hoặc làm tổn thương Nữ hoàng".
New Zealand, 1981
Vài tháng sau cuộc diễu binh tại London, Nữ hoàng một lần nữa đối mặt âm mưu ám sát khác trong chuyến thăm New Zealand năm 1981, khi tới một viện bảo tàng ở thành phố Dunedin. Christopher John Lewis (17 tuổi) đợi trong tòa nhà gần đó và nổ súng từ cửa sổ, khi Nữ hoàng bước xuống xe nhưng bắn trượt. Các nhân chứng chỉ nghe thấy tiếng nổ lớn. Tám ngày sau, Lewis bị bắt, thụ án 3 năm tù và có quãng thời gian bị tống vào trại tâm thần.
Theo Tùng Anh (Ngoisao.net)