Bà Hillary nhiều khả năng kế nhiệm ông Obama?

09/05/2016 08:02:00

Với những gì đang diễn ra trong chiến dịch tranh cử 2016, một số nhà quan sát tin rằng, bà Hillary Clinton có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. 

 

Với những gì đang diễn ra trong chiến dịch tranh cử 2016, một số nhà quan sát tin rằng, bà Hillary Clinton có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. 

Truyền thống triều đại

Các triều đại chính trị ra đời ngay sau khi Mỹ xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới. John Adams Jr. làm Tổng thống Mỹ từ 1797 tới 1801. Con trai ông là John Quincy Adams làm Tổng thống Mỹ thứ 6 từ 1825 tới 1829.

Tướng về hưu William Harrison qua đời một tháng sau khi nhậm chức Tổng thống, vào ngày 4/4/1811. Cháu trai ông là Benjamin Harrison trở thành Tổng thống vào năm 1889.

Zachary Taylor đắc cử Tổng thống năm 1949, là cháu trai của James Madison - Tổng thống thứ 4 của Mỹ (1809-1817). Franklin Roosevelt cũng là họ hàng xa với Theodore Roosevelt (Tổng thống Mỹ giai đoạn 1901-1909).

Barbara Pierce Bush, vợ của Tổng thống Mỹ thứ 41 George H.W. Bush, là hậu duệ của gia tộc Franklin Pierce, Tổng thống thứ 14 của nước Mỹ. Bà Barbara có thể đã trở thành mẹ của hai Tổng thống Mỹ, song con trai út của bà là Jeb Bush vừa rút khỏi cuộc đua.

Hillary Clinton, bầu cử TT Mỹ, Donald Trump
Có nhiều yếu tố chỉ ra rằng Hillary sẽ thành Tổng thống Mỹ (ảnh Reuters)

Không phụ thuộc vào số đông

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của hệ thống chính trị Mỹ đó là một ứng viên có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống dù có ít phiếu hơn đối thủ. Trường hợp rõ nhất là George W. Bush giành được nhiều phiếu của cử tri đoàn và tái cử Tổng thống năm 2004, dù John Kerry giành nhiều phiếu phổ thông hơn.

Vấn đề là, công dân Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống. Thay vào đó, các cử tri sẽ bỏ phiếu bầu các đại cử tri (cử tri đoàn). Ứng viên Tổng thống nào có được đa số phiếu đại cử tri (270 phiếu) sẽ đắc cử Tổng thống.

Việc lấy đại cử tri làm đại diện cho phép các bang ít dân có quyền ngang các bang đông dân. Ví dụ, Wyoming có dân số gần 600.000 người, có 3 đại cử tri, trong khi Texas có 27,5 triệu dân cũng chỉ có 38 đại cử tri.

Có một vấn đề khác, ngoại trừ Maine và Nebraska, ở hầu hết các bang đại cử tri được phân bổ theo kiểu "người thắng lấy tất". Có nghĩa là, tất cả các phiếu của đại cử tri sẽ dồn cho ứng viên Tổng thống giành được nhiều phiếu phổ thông nhất trong bang.

Donald Trump ít có cơ hội thắng

Nhìn chung, hệ thống bầu cử Mỹ được cho là được chiều theo ý giới chính trị cấp cao Mỹ vì nó ngăn không cho các ứng viên và chính trị gia không được ưa thích thành công. Thậm chí, nếu một ứng viên, thuộc một đảng hàng đầu như Donald Trump hiện nay, tranh cử Tổng thống, thì hệ thống có thể không đảm bảo ông ta sẽ thành công.

Theo khảo sát của Gallup, 59-62% công dân Mỹ muốn trực tiếp bầu Tổng thống. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị Thượng viện chặn lại vào năm 1970. Dù vậy, đấu tranh vẫn tiếp diễn.

Cách đây 10 năm, một số bang đã tranh luận về Thỏa thuận bỏ phiếu phổ thông liên bang toàn quốc - thỏa thuận được đưa ra nhằm đảm bảo rằng ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất trên toàn quốc sẽ trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, thỏa thuận này không có hiệu lực.

Năm 2016, sáng kiến trên có 10 bang và quận Columbia ủng hộ, song cơ hội để thỏa thuận có hiệu lực rất nhỏ.

Các thành viên của gia đình Bush và Clinton từng giữ chức Tổng thống Mỹ trong 20 năm, từ 1989 tới 2009. Sau đó, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton làm Ngoại trưởng thời Tổng thống Obama. Lịch sử tiến trình chính trị Mỹ cho thấy một cách gián tiếp rằng, bà Hillary có nhiều cơ hội trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Theo Hoài Linh (VietNamNet)

Nổi bật