Bà Harris nối dài 'tuần trăng mật' tranh cử, ông Trump rơi vào thế bị động

04/08/2024 09:25:06

Trong khi bà Harris tiếp tục duy trì sức nóng trên đường đua vào Nhà Trắng, ông Trump cho thấy những dấu hiệu thụt lùi tại thời điểm nước rút của cuộc tranh cử.

"Tuần trăng mật của bà Harris" chưa kết thúc

Những thành công liên tiếp của Phó Tổng thống Kamala Harris trên đường đua tranh cử trong hơn một tuần trở lại đây đã mang lại lợi thế lớn cho đảng Dân chủ. Chuyên gia thăm dò ý kiến Tony Fabrizio lại gọi đó là "tuần trăng mật của bà Harris", nhưng cũng đồng thời cảnh báo bà nên sẵn sàng cho "sự kết thúc của tuần lễ này". Tuy nhiên, có vẻ như tuần trăng mật của Phó Tổng thống đã kéo dài hơn dự kiến.

Bà Harris bước vào tháng 8 với 377 triệu USD gây quỹ đến từ sự ủng hộ lớn của nhiều nhà tài trợ và các đảng viên Dân chủ. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Phó tổng thống cũng nhanh chóng xóa bỏ vị trí dẫn đầu của ông Trump tại bảy tiểu bang chiến trường quan trọng. Cuộc thăm dò mới nhất của Bloomberg News/Morning Consult tuần này cho thấy 48% cử tri ủng hộ Harris, trong khi chỉ có 47% ủng hộ ông Trump.

Bà Harris nối dài 'tuần trăng mật' tranh cử, ông Trump rơi vào thế bị động
Phó Tổng thống Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump (phải)

Đội ngũ vận động tranh cử của bà Harris tiếp tục quy tụ những cái tên nổi tiếng từng góp phần làm nên thành công cho cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2009 và 2012. Các nhân viên chiến dịch cấp cao của ông Obama, bao gồm chiến lược gia David Plouffe và Phó giám đốc chiến dịch năm 2012 Stephanie Cutter, đã gia nhập đội ngũ này vào ngày 2/8.

Hôm 2/8, bà Harris cũng đã giành đủ số phiếu bầu để trở thành ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống và sẽ chính thức chấp nhận đề cử vào đầu tuần tới. Các cố vấn chiến dịch nhận định rằng, thời điểm ghi tên trên tấm vé tranh cử và lịch trình di chuyển dày đặc sẽ giúp chiến dịch của bà tiếp tục sôi động cho đến kỳ tổng tuyển cử tháng 11.

Bà Harris dự định sẽ công bố phó tướng tranh cử của mình trong vài ngày tới và liên danh tranh cử mới sẽ bắt đầu một chuyến tham quan các tiểu bang dao động, bao gồm Philadelphia, Wisconsin, Bắc Carolina, Georgia và Nevada

“Kamala Harris đang cho nước Mỹ thấy chân dung của một nhà lãnh đạo tương lai. Sau khi bà chọn được phó Tổng thống, sự tương phản giữa những tài năng trẻ của đảng Dân chủ và những ứng viên đã quá tuổi của đảng Cộng hòa sẽ càng trở nên rõ nét", ông Al Mottur, một chiến lược gia thuộc đảng Dân chủ cho biết.

Sau chuyến thăm các tiểu bang dao động, bà Harris được cho là sẽ nhận được sự ủng hộ từ những người theo đảng Dân chủ khác tại đại hội của họ vào cuối tháng 8. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có bài phát biểu khai mạc đại hội vào hôm 19/8 ở Chicago.

Ông Ivan Zapien, cựu quan chức Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) nhận định rằng việc tham gia tranh cử khi đường đua đã bước vào giai đoạn nước rút là một lợi thế đối với bà Harris. Điều này đồng nghĩa với việc "chiến dịch của bà Harris" không cần phải "kéo căng" để "duy trì sức nóng trong một thời gian dài", khác với chiến dịch của ông Trump.

Ông Trump rơi vào thế bị động?

Sau khi ông Biden tuyên bố lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã úp mở về khả năng sẽ không tham gia cuộc tranh luận Tổng thống vào hôm 10/9. Đáp lại, chiến dịch của của Harris gọi cựu Tổng thống là "kẻ hèn nhát" vì "sợ phải đối đầu với bà Harris. Bà Harris tuyên bố sẽ có mặt tại đêm tranh luận theo kế hoạch, ông Trump có xuất hiện hay không.

Các đồng minh của bà Harris tin tưởng rằng cuộc tranh luận vào tháng 9 sẽ giúp duy trì đà phát triển của chiến dịch tranh cử, lập luận rằng bà là người tranh luận mạnh mẽ do từng có thời gian đảm nhận vị trí công tố viên.

Cựu Dân biểu Cedric Richmond (D-La.), đồng chủ tịch của tổ chức Harris for President mới đây đã lên tiếng kêu gọi ông Trump cần phải trở nên "mạnh mẽ" như nữ đối thủ của mình. “Donald Trump cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Ông Trump không ngại nói sau lưng bà Harris, nhưng lại sợ hãi phải tranh luận trực tiếp với bà ấy hay sao?", ông Richmond đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Giám đốc truyền thông của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (DNC), bà Rosemary Boeglin cho biết: "Bất kể ông Trump ở đâu vào ngày 10/9, cử tri đều biết ông ấy đứng ở đâu. Phó Tổng thống Harris sẽ có mặt trên sân khấu tranh luận để vạch ra tương lai mới cho nước Mỹ, trao cho cử tri quyền từ chối ông Trump một lần và mãi mãi".

Tại cuộc vận động tranh cử của bà tại Atlanta vào 30/7, vài giờ sau khi ông Trump đưa ra bình luận về bản sắc chủng tộc của bà Harris, Phó Tổng thống đã công khai mời ông Trump lên sân khấu tranh cử.

"Ông Donald Trump, tôi hy vọng ông sẽ cân nhắc lại việc gặp tôi trên sân khấu tranh luận", bà Harris nói. "Bởi vì nếu ông có điều gì muốn nói, hãy nói thẳng vào mặt tôi".

Ban đầu, ông Trump tuyên bố không muốn tranh luận với bà Harris vì bà không phải là ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù bà Harris chưa chính thức chấp nhận đề cử đại diện đảng Dân chủ, ông Trump lại đổi ý trước sức ép từ đảng đối lập và chấp nhận "lời khiêu chiến" từ đối thủ Harris.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 2/8, ông Donald Trump viết: “Tôi đã đồng ý tham gia tranh luận với bà Kamala Harris vào ngày 4/9. Cuộc tranh luận trước đó đã được lên lịch với ông Joe Biden trên đài ABC, nhưng đã bị hủy bỏ vì ông Biden sẽ không còn là người tham gia nữa”.

Ông Trump cho biết cuộc tranh luận này sẽ được tổ chức tại một địa điểm cụ thể chưa được quyết định ở tiểu bang chiến trường Pennsylvania, do người dẫn chương trình Fox News Bret Baier và Martha MacCallum điều phối.

Nhiều nhà phân tích đánh giá, quyết định này của ông Trump được cho là "một tia hi vọng mới" để trở lại vị trí đứng đầu trong các bảng thăm dò ý kiến, sau một thời gian trượt dài và thường xuyên xếp sau Phó Tổng thống Harris.

Theo Diệp Thảo (VOV.vn)

Nổi bật