Nancy Pelosi lại một lần nữa trở thành người phụ nữ quyền lực nhất Washington D.C. sau khi lấy lại vị trí chủ tịch Hạ viện vào ngày 3/1 để đối đầu Tổng thống Donald Trump.
Giữ Trump trong tầm kiểm soát sẽ là một trong những thách thức hàng đầu của hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang California. Bà sẽ chủ trì Hạ viện trong suốt cuộc bầu cử năm 2020 với mục tiêu giúp đảng của bà đánh bại tổng thống đảng Cộng hòa.
Pelosi đã chiến thắng cuộc bỏ phiếu ngày 3/1 cho chức chủ tịch Hạ viện, vị trí mà bà từng nắm giữ trong 4 năm kể từ năm 2007, khi bà làm nên lịch sử với tư cách người phụ nữ đầu tiên đạt được chức vụ này.
Ở tuổi 78, bà sẽ lại trở thành quan chức cấp cao thứ ba của Mỹ đồng thời là một trong những nhân vật bám trụ lâu nhất trên chính trường.
Nhiệm vụ khó khăn
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Pelosi từng là một lực lượng đối lập mạnh mẽ với tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush trong hai năm cuối cùng nhiệm kỳ của ông. Vai trò của bà trong việc kiềm chế Trump cũng sẽ tương tự.
Tuy nhiên, bà cũng cần kiềm chế những thành viên trong đảng của mình, những người đang háo hức tìm kiếm các biện pháp trừng phạt nhanh chóng đối với Trump trong những tháng tới.
Bà và các lãnh đạo đảng Dân chủ sẽ có quyền ngăn chặn các đạo luật của đảng Cộng hòa và cản trở phần lớn chương trình nghị sự của Trump, từ đề xuất cắt giảm thuế mới đến xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico.
Pelosi có thể khiến cuộc sống của Trump trở nên khó khăn hơn nhiều nếu bà sử dụng quyền đòi trát hầu tòa để buộc các quan chức chính quyền phải làm chứng trước Quốc hội, lật lại các tài liệu quan trọng hoặc tiến hành các thủ tục luận tội.
Đến nay, bà vẫn phản đối việc sử dụng các biện pháp cực đoan này để chống lại tổng thống với lập luận rằng điều đó có thể kích động các cử tri đảng Cộng hòa mong muốn bảo vệ tổng thống.
Trong vai trò điều phối, bà sẽ phải cân bằng các mâu thuẫn chính trị, đứng lên bảo vệ Trump khi cần thiết nhưng cũng phải cho thấy đảng của bà đủ khả năng làm việc với tổng thống để thông qua các đạo luật.
Nhiệm vụ trước mắt của bà là tìm cách chấm dứt tình trạng bế tắc do yêu cầu về bức tường biên giới của ông Trump, một xung đột giữa hai đảng đã dẫn đến việc đóng cửa một phần chính phủ.
Pelosi và các nhà lãnh đạo quốc hội khác đã gặp ông Trump hôm 2/1 nhưng không đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc.
“Bà ba bị” của chính trường Mỹ
Ba tuần trước, trong một cuộc đối đầu rùm beng tại Phòng Bầu dục và trước ống kính máy quay, Pelosi cho thấy bà không ngại “so găng” với Trump trong một diễn đàn công khai khi ông tỏ ra coi thường nỗ lực của bà với tư cách người đại diện của đảng Dân chủ.
Ngay sau khi rời khỏi cuộc họp, Pelosi đã nói riêng với một nhóm đảng viên Dân chủ rằng bức tường biên giới giống như “ám ảnh tuổi trưởng thành” đối với Trump, một bình luận dường như có chủ ý làm tổng thống mất uy tín và đã nhanh chóng bị rò rỉ với truyền thông.
Không còn nghi ngờ gì, Pelosi chính là nhà lãnh đạo chính trị khôn ngoan nhất trong số các chính trị gia cùng thời với bà. Bà đã dẫn dắt để đạo luật y tế của Barack Obama được Hạ viện thông qua và dẫn tới việc ban hành đạo luật gây tranh cãi vào năm 2010.
Có lẽ vì lý do đó nên 8 năm sau, một số người vẫn đổ lỗi cho bà, các đảng viên Cộng hòa coi bà như ông ba bị.
“Mọi người có tưởng tượng được Nancy Pelosi làm chủ tịch Hạ viện không? Đừng để điều đó xảy ra với tôi!”, ông Trump hỏi đám đông tại một cuộc mít tinh ở bang Minnesota hồi tháng 10.
Bạn bè, gia đình và kẻ thù, ngay cả những người trong đảng từng kêu gọi bà nhường bước cho thế hệ sau, đều ca ngợi kỹ năng chính trị của bà.
“Bà ấy có thể chặt đầu người khác mà người đó còn không biết mình đang chảy máu”, Alexandra, con gái của Pelosi, nói trên CNN hôm 2/1.
Sự trở lại của Pelosi không phải là không gặp trở ngại nhưng bà đã khéo léo vượt qua cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng khi hàng chục hạ nghị sĩ đảng Dân chủ và các ứng viên bày tỏ mong muốn có sự thay đổi ở trên cao.
Sự cản trở trong nội bộ phần lớn xuất phát từ việc Pelosi không được lòng cử tri. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hôm 2/1, bà phủ nhận việc mình bị chỉ trích.
“Tôi không cảm thấy mình bị thù ghét. Tôi cảm thấy mình được tôn trọng. Họ sẽ không nhắm vào tôi nếu tôi không có ảnh hưởng lớn”, bà nói với tạp chí Elle.
Về mặt nào đó, danh tiếng của Pelosi được hình thành qua nhiều năm nhờ các cuộc tấn công cánh hữu. Phe bảo thủ miêu tả bà, vợ của một triệu phú đầu tư từ California, là hiện thân của tầng lớp thượng lưu cánh tả.
Bà bị buộc tội về mọi thứ, từ việc muốn tăng thuế đối với các gia đình trung lưu đến hỗ trợ lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp.
Pelosi từng nói chính trường Mỹ đã buộc bà phải trang bị cho mình “bộ giáp sắt” và khả năng “chịu đấm”.
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)