Bộ Ngoại giao Anh thông áp áo đặt trừng phạt đối với 6 thành viên quân đội Myanmar, bổ sung vào danh sách 19 người trước đó, đồng thời cho biết Bộ Thương Mại sẽ có động thái để đảm bảo các doanh nghiệp Anh không có hoạt động thương mại với các công ty do quân đội Myanmar sở hữu.
"Các động thái hôm nay gửi thông điệp rõ ràng tới chế độ quân sự ở Myanmar rằng những người chịu trách nhiệm vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm, và giới chức cần phải chuyển giao lại quyền lực cho chính phủ được người dân Myanmar bầu ra," Ngoại trưởng Anh Domini Raab cho biết trong một tuyên bố.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Anh, 6 thành viên quân đội Myanmar bị áp đặt trừng phạt bao gồm Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, trung tướng Aung Lin Dwe, trung tướng Ye Win Oo, tướng Tin Aung San, tướng Maung Maung Kyaw và trung tướng Moe Myint Tun.
Lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc 6 tướng lĩnh kể trên không được phép tới Anh, trong khi các doanh nghiệp và tổ chức của Anh bị cấm giao dịch với họ.
Trước đó, Anh cũng đã áp đặt trừng phạt với ba thành viên khác của quân đội Myanmar, Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Hôm 01/02, quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức nước này.
Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã áp đặt trừng phạt với 10 thành viên quân đội Myanmar, bao gồm Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và cấp phó Soe Min cùng 4 thành viên khác của Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar. Nhiều nước lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự. Biểu tình cũng nổ ra tại nhiều nơi ở nước này.
Lệnh trừng phạt này khiến các tướng lĩnh Myanmar không thể tiếp cận 1 tỷ USD từ các quỹ của nước này tại Mỹ.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)