Phiên dịch viên người Afghanistan từng giúp đưa Thượng nghị sĩ Joe Biden thoát khỏi cảnh nguy hiểm ở vùng núi Afghanistan hồi năm 2008 đã bị bỏ lại sau khi Mỹ rút khỏi Kabul. Hiện tại, ông đang cầu xin Nhà Trắng giải cứu.
"Xin chào ngài Tổng thống: Hãy cứu tôi và gia đình tôi", Wall Street Journal dẫn lời người đàn ông - chỉ được biết với tên gọi là Mohammed. "Đừng quên tôi ở đây."
Năm nay 36 tuổi, Mohammed là phiên dịch viên cho lực lượng Không quân số 82 được triển khai từ Sân bay Bagram để giải cứu ông Biden và các đồng nghiệp John Kerry vào tháng 2 năm 2008, khi chiếc trực thăng của họ hạ cánh khẩn cấp ở Afghanistan trong một trận bão tuyết kinh hoàng.
Theo WSJ đưa tin, ông Mohammed đã nộp đơn xin Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), chương trình sơ tán các thông dịch viên đã giúp đỡ Mỹ trong suốt cuộc xung đột kéo dài 20 năm, nhưng gặp khó khăn khi cơ quan mà ông làm việc đã đánh mất các hồ sơ liên quan.
"Sự phục vụ quên mình của ông ấy đối với quân đội Mỹ là kiểu cống hiến mà tôi mong muốn nhiều người Mỹ thể hiện hơn nữa", Trung tá Andrew Till viết ủng hộ đơn đăng ký của ông Mohammed. "Nếu chúng ta chỉ có thể giúp một người Afghanistan, hãy chọn [anh ta]", Shawn O’Brien, một cựu binh từng làm việc với Mohammed năm 2008, viết.
Điều đó dường như không giúp ích gì khi ông Mohammed đến Sân bay Quốc tế Hamid Karzai vào giữa tháng 8. Tại đây, quân đội Mỹ thông báo rằng ông có thể vào được - nhưng vợ và con anh ta thì không.
"Tôi không thể rời khỏi nhà của mình", ông nói sau khi những chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ đã rời Kabul. "Tôi rất sợ hãi."
Khi được hỏi về trường hợp của Mohammed, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết thông điệp của chính quyền Mỹ gửi tới ông là: "Cảm ơn vì vai trò của ông trong việc giúp đỡ người dân Mỹ".
"Chúng tôi sẽ đưa ông rời khỏi Afghanistan trong giai đoạn ngoại giao", ông Psaki nói thêm và khẳng định rằng "chính quyền có cam kết lâu dài".
"Những người đã giúp đỡ chúng tôi sẽ không bị bỏ lại phía sau", Tổng thống Biden tuyên bố vào ngày 24/6. Đó là trước khi chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn hoàn toàn sụp đổ và Taliban chiếm Kabul, khiến quân đội Mỹ bị bao vây tại sân bay.
Nhà Trắng đã thông báo về việc sơ tán được 122.000 người trong cuộc không vận kéo dài 2 tuần. Trong số đó, chưa đến 6.000 người là công dân Mỹ và đại đa số là người Afghanistan đang tìm cách thoát khỏi Taliban. Một số người Mỹ bị bỏ lại - chính quyền ông Biden không cho biết chính xác có bao nhiêu - và dường như một số người Afghanistan được hứa giải cứu cũng đang bị mắc kẹt.
Ông Biden thường nhắc đến vụ việc năm 2008 để khẳng định chuyên môn của ông trong cuộc chiến chống khủng bố. Máy bay trực thăng chở phái đoàn Thượng viện đã hạ cánh xuống một thung lũng cách Bagram khoảng 40km về phía đông nam, trong một khu vực không thuộc quyền kiểm soát của Taliban vào thời điểm đó, nhưng lại rất gần với một khu vực đã xảy ra giao tranh lớn.
Ba thượng nghị sĩ được giải cứu sau đó tiếp tục phục vụ trong chính quyền Obama - Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và Phó tổng thống Joe Biden.
Chính quyền ông Biden đã quyết định từ bỏ Bagram sớm trong quá trình rút quân - theo lời khuyên của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc rằng việc rút khỏi Kabul thuận tiện hơn.
Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)