Tính toán chiến lược của Pakistan về một Afghanistan do Taliban lãnh đạo
Các nhà phân tích và quan chức ở Pakistan tin rằng chiến thắng của lực lượng Taliban phục vụ mục đích kép: Giúp Pakistan bảo tồn các lợi ích của mình ở Afghanistan bằng việc có một nhóm thân thiện với họ lên nắm chính quyền và cả bằng việc giới hạn không gian tương tác của Ấn Độ ở Afghanistan.
Pakistan đã từ lâu tố Ấn Độ - đối thủ khu vực của họ, là cố tình gây bất ổn cho khu vực biên giới phía Tây thông qua Afghanistan.
Với việc Taliban lên nắm quyền, Pakistan nhận thức rằng sự ủng hộ của nước ngoài cho các nhóm khủng bố như Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) - tức tổ chức Taliban phiên bản Pakistan và cho các nhóm dân tộc Pashtun và Baloch sẽ suy giảm.
Ngoài ra, Pakistan còn hy vọng một chính phủ do Taliban lãnh đạo sẽ cung cấp cho họ cơ hội mở rộng dấu ấn địa kinh tế khi tìm cách kết nối Trung Á có sự tiếp cận Biển Arabia tại Gwdar. Chiến lược này dự kiến Taliban sẽ có khả năng vừa ổn định tình hình Afghanistan, vừa ngăn ngừa được các nhóm chống Pakistan thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào họ.
Trung Quốc tận dụng việc Mỹ rút quân để thúc đẩy lợi ích địa chiến lược như thế nào?
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan thiên về trách nhiệm hơn là cơ hội. Bắc Kinh nhìn nhận lợi ích của mình ở Afghanistan trước tiên thông qua lăng kính an ninh nội địa. Đối với họ, nguy cơ xung đột gia tăng ở khu vực biên giới phía Tây thật đáng báo động.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện và tiềm năng phát triển của phong trào vũ trang Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan, trong đó có đảng Hồi giáo Turkestan (TIP). Ưu tiên của Trung Quốc sẽ là thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa mối đe dọa này, và họ đã tìm cách đạt được bảo đảm của Taliban rằng TIP không được phép hoạt động trên đất Afghanistan.
Mặc dù một số nhà bình luận cho rằng việc Mỹ rút quân sẽ mang lại cho Trung Quốc cơ hội tiếp cận kho khoáng sản giàu có của Afghanistan và củng cố sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trên thực tế Bắc Kinh đạt được ít tiến bộ trong hoạt động đầu tư hiện thời ở Afghanistan và rất cảnh giác về nguy cơ bị sa lầy trong một môi trường thiếu ổn định. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tận dụng việc Mỹ rút đi để cố chứng minh với thế giới - đặc biệt là những nước mà Mỹ muốn bắt tay trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rằng Mỹ là một đối tác thiếu tin cậy trong khu vực.
Tác động của việc Afghanistan rơi vào tay Taliban đối với quan hệ Pakistan - Trung Quốc
Trong khi Pakistan xem việc Taliban chiếm quyền ở Afghanistan là một bước phát triển tích cực thì Trung Quốc lại kém phần hân hoan hơn. Trong trường hợp (ít khả năng xảy ra) là Taliban ổn định được và cai quản có hiệu quả Afghanistan, chế ngự được các nhóm chiến binh khác, thì tình hình sẽ thuận lợi cho quan hệ song phương và đầu tư thông qua việc mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Tuy nhiên, kịch bản dễ xảy ra hơn là sự bất ổn mới có thể đe dọa đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan trong khuôn khổ CPEC. Lực lượng Hồi giáo TTP (tức Taliban Pakistan) đã mở các cuộc tấn công vào các mục tiêu Trung Quốc ở Pakistan, bao gồm vụ đánh bom làm chết một số kỹ sư Trung Quốc vào tháng 7/2021 và một cuộc mưu sát Đại sứ Trung Quốc vào tháng 4/2021. Nếu các cuộc tấn công gia tăng, Bắc Kinh sẽ phải làm chậm lại thêm các dự án của họ ở Pakistan trong khi gây sức ép buộc Islamabad phải đảm bảo an ninh. Trong khi đó, Pakistan sẽ vẫn làm bên trung gian hữu ích giữa Trung Quốc và Taliban, tuy nhiên sự trỗi dậy của Taliban có thể làm căng thẳng quan hệ khăng khít bây lấu nay giữa Trung Quốc và Pakistan.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và chinh sách của Trung Quốc đối với đạo này
Việc Taliban - một nhóm Hồi giáo cực đoan, trở lại nắm quyền ở Afghanistan được xem như một thắng lợi tinh thần cho các nhóm chiến binh Hồi giáo trong khu vực, bao gồm cả đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) và các nhóm chiến binh khác nhắm vào Trung Quốc. Chi nhánh Syria của TIP đã ra thông cáo chúc mừng và ca ngợi việc thiết lập một "Tiểu vương quốc Hồi giáo" ở Afghanistan ngay sau khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul.
Các diễn biến trên là rất đáng quan ngại với Bắc Kinh - họ có khả năng sẽ tìm cách quản lý thách thức này thông qua việc gây áp lực lên Taliban cũng như chính quyền các nước khác trong khu vực phải trấn áp lực lượng Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại, đồng thời siết chặt chính sách của họ đối với vùng Tân Cương, nơi có đông người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.
Cho tới nay Taliban tỏ vẻ sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc. Phát ngôn viên của nhóm này cho biết, ông thiếu thông tin chi tiết về tình hình ở Tân Cương nhưng sẽ giải quyết bất cứ vấn đề nào với chính quyền Bắc Kinh, lặp lại các quan điểm của Pakistan trong việc tránh né các câu hỏi khó liên quan đến cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo. Thực tế đó mang lại cho Trung Quốc chút cảm giác thoải mái rằng Taliban sẽ đón nhận các đề xuất viện trợ và công nhận để đối lấy việc họ sẽ hợp tác với Trung Quốc, dù rằng điều này chưa chắc đã bảo vệ đầy đủ các lợi ích của Trung Quốc.
Ba rủi ro địa chính trị đối với Mỹ
Các nhà hoạt định chính sách của Mỹ nên tập trung nhiều nhất vào 3 thách thức chủ yếu sau khi Taliban cai trị trở lại Afghanistan, đó là chống khủng bố, dòng người tị nạn, và sự ổn định chiến lược tại Nam Á.
Quản lý mối đe dọa từ khủng bố ở Afghanistan vẫn là một ưu tiên đối với Mỹ sau khi rút quân. Mỹ sẽ thực hiện điều này từ xa, có thể là trong sự điều phối lặng lẽ với chính phủ do Taliban lãnh đạo.
Khu vực Nam Á có 3 nước sở hữu vũ khí hạt nhân nên rất cần giới hạn mức độ leo thang căng thẳng, thông qua các biện pháp như ngoại giao khu vực, trong đó có các giải pháp xây dựng lòng tin./.
Theo Trung Hiếu (Vov.vn)