Số lượng ca nhiễm tăng cao khiến hệ thống y tế nước này bị quá tải, có nguy cơ sụp đổ. Người bệnh phải tự tìm giường bệnh, oxy và thuốc do tình trạng thiếu thốn xảy ra khắp nơi.
"Lý do Ấn Độ rơi vào tình cảnh khủng khiếp như hiện này là bởi họ trải qua một đợt ca nhiễm tăng cao và lầm tưởng rằng nó đã kết thúc. Họ mở cửa quá sớm và cuối cùng trải qua làn sóng mà chúng ta đang thấy, hết sức thảm khốc", tiến sĩ Fauci nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí tại Thượng viện Mỹ.
Tiến sĩ Fauci là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ và là cố vấn y tế trưởng của tổng thống Joe Biden.
Thượng nghị sĩ Patty Murray, chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí tại Thượng viện Mỹ đánh giá tình hình ở Ấn Độ là bài học rằng đại dịch sẽ chỉ chấm dứt tại Mỹ khi nó cũng kết thúc ở những nước khác.
"Tôi hài lòng rằng chính quyền của tổng thống Biden đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch bằng cách trở lại gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới và tài trợ nỗ lực sản xuất vaccine, đồng thời quyên góp 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước khác trước ngày 04/07," bà Murray nói.
"Đợt bùng phát tại Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng y tế vững chắc tại Mỹ để có thể phản ứng kịp thời với đại dịch này, cũng như các đại dịch trong tương lai," bà Murray nói thêm, đồng thời đề nghị tiến sĩ Fauci nói về các bài học Mỹ có thể rút ra.
Theo ông Fauci, bài học thứ nhất là không được đánh giá thấp tình hình dịch bệnh.
"Một trong những điều quan trọng là không bao giờ đánh giá thấp tình hình," Fauci nói, nhắc đến cái mà ông cho là Ấn Độ đã sai lầm khi cho rằng họ đã khống chế được đại dịch và mở cửa quá sớm.
Bài học thứ hai là việc chuẩn bị cho các đại dịch có thể xuất hiện trong tương lai.
"Điều thứ hai là là chuẩn bị y tế công cộng, điều mà chúng ta, với bài học cần phải rút ra cho các đại dịch trong tương lai, phải nhận ra rằng chúng ta cần tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công tại các địa phương. Đây là điều mà chúng ta đã bỏ quên trên nhiều khía cạnh trong những thập kỷ vừa qua, có thể là do chúng ta thành công trong kiểm soát nhiều dịch bệnh," tiến sĩ Fauci nêu.
Bài học thứ ba cần phải rút ra là trước đại dịch Covid-19 cần phải có sự phối hợp toàn cầu.
"Chúng ta cần chú ý tới trách nhiệm, không chỉ với đất nước mình, và còn cùng với các nước khác đảm bảo rằng tất cả có thể tiếp cận với các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là vaccine, trên khắp thế giới", ông nói thêm.
"Bởi nếu virus tiếp tục tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới, đó sẽ là nguy cơ với nước Mỹ, đặc biệt là với các biến chủng... và như các ngài đã biết, ở Ấn Độ đã xuất hiện biến chủng mới... Đó chỉ là một vài bài học mà tôi tin rằng chúng ta cần phải rút ra từ tình hình Ấn Độ hiện nay," tiên sĩ Fauci kết luận.
Thượng Nghị sĩ Murray cho rằng đợt bùng phát đại dịch hiện nay tại Ấn Độ là bài học về những gì có thể xảy ra khi virus corona lan rộng mà không có biện pháp can thiệp hợp lý, khi virus đột biến trở nên lây lan nhanh hơn và khiến hệ thống y tế quá tải.
"Tình hình ở Ấn Độ nhắc chúng ta nhớ rằng đại dịch sẽ không kết thúc ở Mỹ cho tới khi nó kết thúc trên toàn thế giới. Đó là lý do tôi vui mừng khi chính quyền Biden gửi viện trợ y tế cho Ấn Độ, chia sẻ vaccine dự trữ toàn cầu và thậm chí cân nhắc các bước để loại bỏ trở ngại quá trình sản xuất vaccine cho các nước, bao gồm việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine," bà nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)