Toan tính của Ukraine
Trung tướng Igor Kirillov - người đứng đầu lực lượng phòng thủ hạt nhân, hóa học và sinh học của quân đội Nga, đã thiệt mạng trong một vụ nổ bên ngoài tòa nhà nơi ông ở vào tối 17/12, theo giờ địa phương. Theo Ủy ban Điều tra Nga, nguyên nhân là do một quả bom giấu bên trong một chiếc xe scooter cạnh tòa nhà đã bị kích nổ từ xa. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nhận trách nhiệm thực hiện vụ ám sát này, xem đây như hành động trả đũa “các hành vi sử dụng vũ khí hóa học” trên chiến trường Ukraine mà họ cáo buộc Nga đã thực hiện.
Tờ Financial Times cho rằng, vụ ám sát ông Kirillov mang "dấu ấn của hoạt động của các cơ quan tình báo Ukraine bên trong nước Nga". Kiev nhiều khả năng đã "xây dựng một mạng lưới các điệp viên bí mật để thực hiện các vụ ám sát có chủ đích nhằm phá vỡ chiến dịch quân sự mà Nga đang thực hiện”.
Theo Financial Times, trước đây, SBU chủ yếu hoạt động bên trong lãnh thổ Ukraine, nhưng kể từ năm 2014, cơ quan này đã mở rộng hoạt động ra bên ngoài. Sau khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022, SBU được cho là đã tấn công cầu Crimea và phá hủy phần lớn hạm đội Biển Đen của Nga bằng máy bay không người lái hải quân.
SBU đã trở thành một cơ quan quan trọng đối với Kiev khi nước này chiến đấu với Nga trên nhiều mặt trận. Ông Valentyn Nalyvaichenko, một nghị sĩ Ukraine từng hai lần giữ chức giám đốc SBU cho biết cơ quan này đã "thu thập rất nhiều thông tin và dữ liệu phản gián về quân đội và lãnh đạo tình báo của Nga", “tìm cách cài gián điệp, phá vỡ liên lạc bên trong lãnh thổ của đối phương và xác định các lỗ hổng trong mạng lưới tình báo của Moscow”.
Với hơn 30.000 nhân viên và thậm chí còn nhiều điệp viên không có tên trong hồ sơ chính thức, SBU có quy mô gần như tương đương với cơ quan FBI của Mỹ với 35.000 điệp viên. Ước tính, SBU lớn hơn bảy lần so với cơ quan tình báo MI5 của và lớn hơn bốn lần so với lực lượng Mossad của Israel.
Ông Vasyl Malyuk, Giám đốc SBU cho biết: "Một trong những nhiệm vụ chính của Cơ quan An ninh Ukraine, đặc biệt là trong thời chiến, là chống lại lực lượng đặc biệt của đối phương”.
Sai lầm chiến lược?
Các chuyên gia quân sự cho rằng, vụ ám sát Tướng Igor Kirillov cho thấy Ukraine đang cấp bách giành lại thế chủ động trong cuộc chiến bằng mọi giá khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1/2025. Đây cũng có thể là tín hiệu họ muốn gửi đến quân đội Nga rằng các cá nhân đều dễ bị tổn thương dù họ ở bất cứ nơi đâu.
Tuy vậy, hành động này không giúp Ukraine cải thiện được vị thế trong cuộc chiến với Nga. Trên chiến trường, quân đội Ukraine tiếp tục mất lãnh thổ vào tay đối thủ lớn hơn và được trang bị tốt hơn. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết, giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt dọc theo tiền tuyến dài hơn 1.000km, trong đó, Nga đã đẩy mạnh các hoạt động tấn công ở một số khu vực.
"Tôi nghĩ vụ việc này sẽ khiến giới tinh hoa Nga cảm thấy lo lắng về việc tình báo Ukraine có thể tìm thấy họ ở bất kỳ đâu và rất khó đảm bảo sự an toàn. Nhưng tôi cho rằng, điều đó thực sự sẽ không ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của họ", nhà phân tích Douglas London lưu ý.
Trên chiến trường, tình hình đối với Ukraine ngày càng nguy cấp hơn. Các lực lượng Nga đã tiến vào vùng ngoại ô của Pokrovsk, một trung tâm đường sắt quan trọng, và đang đe dọa các thành phố lớn Kramatorsk và Sloviansk, tất cả đều nằm ở phía đông khu vực Donetsk. Các quan chức Ukraine đã ra lệnh sơ tán hơn 300.000 người dân đang sinh sống trong khu vực. Trong khi đó, Nga cũng phát động một cuộc phản công lớn nhằm đẩy lùi Ukraine ra khỏi các khu vực tại tỉnh Kursk, miền Tây nước này.
Nga cam kết sẽ trả đũa đối với hành động của Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mô tả vụ ám sát Trung tướng Igor Kirillov là "cuộc tấn công khủng bố" đã được lên kế hoạch. Còn Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo chính phủ Ukraine sẽ phải trả giá đắt cho cái chết của ông Kirillov.
Một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu hoạt động này có thực sự quan trọng hay không. Nhiều nhân vật ủng hộ Ukraine tại Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng, những vụ ám sát như vậy có thể mang tính khiêu khích, phản tác dụng và khiến Kiev lãng phí nguồn lực.
Ralph Goff, một cựu quan chức cấp cao của CIA lưu ý: "Ukraine nhìn thấy cơ hội ở đây. Họ đang cố gắng gây sức ép lên giới tinh hoa Nga để buộc Tổng thống Putin phải đàm phán. Tôi nghĩ đó là một chiến lược sai lầm. Nếu không cẩn thận, họ sẽ tạo ra hiệu ứng ngược lại. Họ sẽ khiến Nga tức giận và cho rằng Ukraine không quan tâm đến việc đàm phán”.
Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng sử dụng sự phụ thuộc của Ukraine vào viện trợ của Mỹ làm đòn bẩy để hạn chế các hoạt động như vậy, nhưng đạt được rất ít thành công. Theo nhà phân tích Douglas London, nếu chính quyền ông Trump cắt giảm đáng kể viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, các cơ quan tình báo của Ukraine có thể coi những hành động như vậy là một trong số các cách thức gián tiếp gây tổn hại cho Nga khi Kiev tiếp tục gặp bất lợi trên chiến trường do thiếu vũ khí và trang thiết bị.
“Nếu Mỹ cắt giảm viện trợ, Ukraine có thể xem xét tăng cường thực hiện các hoạt động bất đối xứng, chẳng hạn như thực hiện những vụ việc tương tự như trên hoặc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái và tên lửa do chính họ tự phát triển để giành lợi thế”, ông Douglas London lưu ý.
Ngay tại Ukraine, một số quan chức vẫn đặt câu hỏi về tính hợp lý của các hoạt động như vậy. Một sĩ quan lực lượng đặc nhiệm cấp cao của Ukraine cho rằng, việc ám sát một quan chức cấp cao của đối phương hoàn toàn “không có tác động về mặt chiến lược và chiến thuật”. Quan chức này dự đoán, như một điều kiện của bất kỳ của giải pháp hòa bình, Nga sẽ không chỉ yêu cầu Ukraine chấm dứt các hoạt động quân sự mà còn yêu cầu chấm dứt hoạt động ám sát bí mật các tướng lĩnh của họ.
Theo Hồng Anh (VOV.vn)